Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

Tại sao các loài vật lại di cư?

Tại sao các loài vật lại di cư?

Lần đầu tiên các kỹ sư tại MIT đã quan sát được sự khởi đầu của sự kiện di cư tập trung bao gồm hàng trăm triệu các loài động vật.



Trong bài viết của nhóm các kỹ sư đăng tải trên số ra ngày 27 tháng 3 trên tờ Science, nghiên cứu được thực hiện sử dụng kỹ thuật dựng hình mới cung cấp thông tin cần thiết cho việc bảo tồn hệ sinh thái biển mà hàng đàn cá đại dương lớn định cư.



Nghiên cứu cũng đồng thời khẳng định các giả thuyết về tập tính của những bầy động vật lớn nói chung, từ đàn chim đến đàn châu chấu. Cho đến ngày nay những nghiên cứu đó chỉ được dự đoán thông qua tìm hiểu mang tính lý thuyết, mô phỏng máy tính hoặc các thí nghiệm.



Ví dụ, nhóm nghiên cứu nhận thấy một khi một đàn cá đạt tới mật độ quần thể nhất định, nó sẽ gây ra một phản ứng chuỗi dẫn đến hoạt động đồng hóa của hàng triệu cá thể trong một khu vực lớn. Hiện tượng này khá giống với làn sóng người chuyển động trong sân vận động. Nicholas C. Makris – chỉ đạo nghiên cứu kiêm giáo sư kỹ thuật đại dương và cơ học – cho biết: “So với những gì chúng ta được biết, đây là lần đầu tiên tập tính này được xác định trong tự nhiên trong hệ sinh thái rộng lớn. Việc tụ tập thành đàn của những loài cá di cư có thể mở rộng tới 40km, xấp xỉ 25 dặm. "



Các cộng sự của Makris trong nghiên cứu bao gồm giáo sư tiến sĩ Purnima Ratilal tại Đại học Northeastern, J. Michael Jech thuộc Trung tâm khoa học ngành cá Đông bắc, và Olav Rune Godoe thuộc Viện nghiên cứu sinh vật biển Nauy. Các cộng sự khác đến từ MIT và Trung tâm nghiên cứu ngành cá Đông nam.



Quan sát ngoài khơi



Nhóm nghiên cứu tập trung vào đàn cá trích Đại Tây Dương ở gần Boston trong mùa đẻ trứng khi trời sang thu. Họ phát hiện thấy sự hình thành và chuyển động của bầy cá lớn vào mỗi tối, bơi lội giữa các vùng nước nông nơi chúng đẻ trứng dưới sự che chở của bóng tối. Khi trời sáng, chúng quay trở lại vùng nước sâu hơn và phân tán. Nghiên cứu được thực hiện nhờ thiết bị OAWRS điều khiển từ xa. Vào năm 2006, Makris cùng các cộng sự đã đăng tải một bài viết trên tờ Science nhằm giới thiệu thiết bị OAWRS. Họ đã sáng chế ra nó và tiến hành các quan sát đầu tiên với nó.

OAWRS cho phép nhóm nghiên cứu có được những bức ảnh trong khu vực có đường kính 100 km (tương đương 62 dặm) cứ mỗi 75 giây. Đây là một bước tiến lớn so với các kỹ thuật thông thường ví dụ như máy phát tiếng vọng tìm cá mà Makris so sánh với việc “xem 1 pixel trên màn ảnh”, trong khi đó công nghệ mới lại cho phép “xem cả bộ phim’.



Cả OAWRS và các phương pháp thông thường đều dựa vào âm thanh để định vị vật thể nhờ âm thanh dội lại. Với các kỹ thuật thông thường, thuyền nghiên cứu phải phát ra các âm thanh có tần số cao xuống biển. Ngược lại, hệ thống mới sử dụng âm thanh có tần số thấp hơn có thể di chuyển quãng đường xa hơn nhiều trong khi vẫn mang lại những thông tin hữu ích.



Hướng tới việc bảo tồn



Makris nhận thấy các tiềm năng trong việc sử dụng OAWRS để kiểm soát, từ đó bảo tồn, các quần thể cá. Những đàn cá lớn sống trong đại dương cung cấp những mối liên hệ quan trọng trong đại dương và cả trong chuỗi thức ăn của con người. Nhưng kích cỡ của chúng lại khiến việc thu thập thông tin dựa trên biện pháp thông thường trở nên rất khó khăn.



Ron O'Dor nhà khoa học thuộc Cơ quan điều tra sự sống biển (CoML) nhận xét rằng: “OAWRS cho phép chúng ta thu thập thông tin ví dụ như về sự phân bố địa lý, sự phong phú và cả tập tính của những bầy cá, từ đó gia tăng hiểu biết của chúng ta về các yếu tố tạo nên những quần thể cá khỏe mạnh. Điều này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách kiểm soát và cải thiện việc bảo tồn nguồn cá”. CoML là cơ quan có sự phối hợp quốc tế trong chương trình kéo dài 10 năm nhằm đánh giá và giải thích tính đa dạng, sự phân bố và sự phong phú của các sinh vật biển. Chương trình hướng đến mục tiêu đưa ra những kết quả đầu tiên vào năm 2010.



Liệu OAWRS có thể được khai thác để tìm kiếm và đánh bắt nhiều cá hơn chứ không phải để bảo tồn chúng hay không? Makris tin rằng điều này là không thể. Ông nói nó không thể được sử dụng trong việc đánh bắt bất hợp pháp. “Những tên trộm không thích làm việc ban ngày hoặc khi chiếu đèn sáng. OAWRS về cơ bản cần phải bật đèn sáng khi ở dưới biến để mọi người có thể nhìn thấy có gì đang xảy ra dưới đó”. Ông cũng nhấn mạnh rằng sự cho phép từ phía các chính phủ là cần thiết để thiết bị này được phép sử dụng ở các vùng biển trong lãnh thổ hoặc ở các vùng biển quốc tế.



Nghiên cứu được Chương trình phối hợp hải dương học quốc gia, Văn phòng nghiên cứu hải quân và Quỹ Alfred P. Sloan tài trợ. Đây cũng là một phần đóng góp cho dự án điều tra sinh vật biển.

G2V Star (Theo ScienceDaily)

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

Tại sao nên thường xuyên lấy cao răng?

Tại sao nên thường xuyên lấy cao răng?

Lấy cao răng và làm sạch cao răng không chỉ vì mục đích thẩm mỹ mà còn vì sức khỏe, bởi cao răng chính là “thủ phạm” gây ra phiền toái cho sức khỏe răng miệng.

Khi ăn xong nếu không chải răng ngay, thì khoảng 15 phút sau có một lớp màng mỏng bám trên bề mặt răng gọi là màng bám. Nếu màng bám không được làm sạch, các vi khuẩn bám vào màng này và tích tụ ngày càng dày lên, gọi là mảng bám. Lúc này, các mảnh vụn thức ăn, các chất khoáng trong miệng tiếp tục bám vào hình thành nên những mảng cứng bám xung quanh cổ răng gọi là cao răng.

Cao răng là chất cặn lắng cứng có màu vàng nâu, thường đóng xung quanh cổ răng. Thành phần của cao răng gồm carbonat canxi và phosphate phối hợp với cặn mềm (mảnh vụn thức ăn, các chất khoáng trong môi trường miệng), vi khuẩn, xác các tế bào biểu mô. Ngoài ra, còn có sự lắng đọng sắt của huyết thanh trong máu, nước bọt. Cao răng có thể gây viêm nướu và có mùi hôi.

Cao răng gây ra một số bệnh về răng miệng như:

- Vi khuẩn trong cao răng gây viêm nướu. Phản ứng viêm này gây ra hiện tượng tiêu xương ổ răng, làm cho răng tụt nướu, thân răng ngày càng dài. Vì vậy, người có cao răng có thể có cảm giác ê buốt khó chịu khi ăn uống. Chân răng bị lộ vì không có nướu che chở và răng bị lung lay, quá trình tiêu xương cũng diễn ra nhanh hơn.

- Cao răng có thể gây nên các bệnh viêm nướu, viêm nha chu với các biểu hiện như: đánh răng chảy máu, miệng có mùi hôi, ê buốt khi ăn uống, nặng hơn có thể gây lung lay và rụng răng.

- Vi khuẩn trong mảng cao răng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh ở niêm mạc miệng (viêm niêm mạc miệng, áp-tơ mà dân gian vẫn gọi là bệnh lở miệng), bệnh ở vùng mũi họng (viêm amidan, viêm họng), bệnh tim mạch.

Do những ảnh hưởng nêu trên, cao răng cần phải được cạo sạch và tốt nhất nên cạo định kỳ 4 - 6 tháng/lần. Có thể cạo cao răng bằng dụng cụ cầm tay hay bằng máy siêu âm. Cạo cao răng bằng máy siêu âm sẽ ít đau, ít chảy máu và sạch hơn. Sau khi cạo cao răng, bạn có thể có cảm giác ê, đau, nhiều hay ít tùy mức chịu đau của mỗi người. Cảm giác ê buốt khi ăn uống nhất là uống nước nóng quá hay lạnh quá có thể kéo dài sau vài ngày rồi hết.

Khởi phát của cao răng là màng bám sau khi ăn không được chải rửa sạch. Vì vậy, để ngăn ngừa cao răng, phải kiểm soát được màng bám, giữ răng luôn sạch sẽ. Sau đây là một số lời khuyên để giữ cho hàm răng chắc khỏe:

- Luôn chải răng sạch sau khi ăn.

- Sử dụng chỉ tơ nha khoa lấy sạch mảnh vụn thức ăn ở kẽ răng.

- Ngậm nước súc miệng có bán sẵn hoặc nước muối pha loãng.

- Kiểm tra răng miệng định kỳ 3 tháng/lần để giải quyết những vấn đề vệ sinh mà bản thân cá nhân không thể tự làm sạch được như: làm sạch ở kẽ răng, ở mặt xa các răng hàm, ở những vùng răng giả. Không nên đợi có cao răng mới đi lấy, vì khi cao răng hình thành thì nó đã gây ra tổn thương và để lại hậu quả.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hòa, Sức khỏe & Đời sống, VNE

Vì sao các khinh khí cầu đốt lửa lại bay được?

Vì sao các khinh khí cầu đốt lửa lại bay được?

Các khinh khí cầu đốt lửa là những quả cầu chứa khí nóng. Chúng bay lên vì không khí chứa trong đó nhẹ hơn là không khí ngoài khí quyển. Vì không khí nóng có xu hướng bốc lên, nên khí cầu bay được.

Trong một lưu chất lỏng (lỏng hay khí), mọi chất có tỷ trọng nhẹ hơn đều có xu hướng đi lên trên: đó là điểu xảy ra khi khí cầu nóng lẫn trong khí lạnh. Cũng có hiện tượng như vậy đối với khí hyđro và heli, là những khí nhẹ so với không khí. Tóm lại, tất cả các khí cầu đều phụ thuộc vào nguyên tắc chênh lệch tỷ trọng.

Các khinh khí cầu đốt lửa hiện đại có vỏ ngoài bằng ni lông, dáng gần như hình cầu. Nó mở ra ở phía dưới để hứng không khí nóng được đốt lên bởi một vòi đốt bằng khí. Khi quả cầu chứa đầy, không khí nóng, nó bay lên. Nếu muốn hạ xuống, chỉ cần không khí này nguội đi.

Hành khách ở trong một buồng nhẹ bằng mây, phía dưới quả cầu.

Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010

Vì sao Thuyết tương đối không được giải Nobel?

Vì sao Thuyết tương đối không được giải Nobel?

Năm 1922, Einstein được trao giải Nobel Vật lý nhưng không phải cho Thuyết tương đối, công trình vĩ đại nhất trong cuộc đời khoa học của ông. Sự kiện này đã trở thành một trong những bí ấn gây tranh cãi nhất trong lịch sử giải Nobel.



Sau nhiều năm tham khảo các tài liệu lưu trữ, nghiên cứu lịch sử khoa học Robert Marc Friedman đã tìm ra một sự thật bất ngờ: Việc Einstein không được trao giải Nobel cho tuyết tương đối không xuất phát từ quan điểm khoa học, mà là hành động có chủ ý của một số người thành kiến với Einstein nhằm hạ thấp uy tín của cá nhân ông.



Thuyết tương đối rộng là thành tựu lớn nhất của Einstein. Tuy nhiên, nó ra đời vào lúc bản thân ông không được cộng đồng khoa học trong nước Đức ủng hộ, đó là thời điểm trong và sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Einstein là một người Do Thái theo chủ nghĩa hòa bình, đã dám chối bỏ tư cách công dân Đức, tham gia vào các nhóm cấp tiến và công khai ủng hộ chủ nghĩa xã hội. Xuất phát từ định kiến này, một số nhà khoa học hàng đầu của Đức lúc đó đã gọi công trình của ông là trò bịp bợm vô căn cứ.



May mắn thay, vẫn còn có người tin rằng có thể kiểm chứng lý thuyết của Einstein, đó là nhà thiên văn học người Anh Arthur Stanley Eddington. Tận dụng 6 phút quý giá của hiện tượng nhật thực toàn phần ngày 29/5/1919, Eddington đã chứng minh được rằng, thuyết tương đối là hoàn toàn chính xác.



Ngày 6/11 cùng năm, sau khi Eddington công bố kết quả quan sát của ông, chỉ qua 1 đêm, Einstein đã trở thành một cái tên được nhắc đến trên toàn thế giới. Một số thành viên của Ủy ban điều hành giải Nobel đã nghĩ đến việc đưa Einstein vào danh sách những ứng cử viên cho lễ trao giải năm 1920.



Nhưng rốt cục, theo nhận xét trong cuộc họp chung của toàn ủy ban, Einstein là một người có tư tưởng khoa học và chính trị cực đoan, lại không tự tiến hành các thực nghiệm nên không xứng đáng được tôn vinh. Giải thưởng năm 1920 đã được trao cho một nhà khoa học Thụy Sĩ chưa từng được nhắc đến với một nghiên cứu mờ nhạt đến mức cả thế giới phải ngạc nhiên.


Năm 1922, danh tiếng của Einstein đã lớn đến mức Ủy ban điều hành giải Nobel bắt đầu lo rằng, uy tín của họ có thể bị tổn hại nếu vẫn tiếp tục phớt lờ một tài năng kiệt xuất như vậy. Nhưng mặt khác, họ cũng không muốn thừa nhận những gì mà chính mình đã bác bỏ những năm trước.



Giải pháp cuối cùng là Einstein vẫn được trao giải Nobel vật lý nhưng không phải cho thuyết tương đối mà cho một công trình khác ít quan trọng hơn, cũng ra đời từ năm 1905: hiệu ứng quang điện. Theo tuyên bố chính thức, Einstein được nhận giải Nobel bị treo của năm 1921, còn người nhận giải Nobel của năm 1922 là Niels Bohr với một lý thuyết lượng tử mới.



(Theo Khoa Học & Đời Sống, Discover)

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

Tại sao thiếu niên có tính khí thất thường?

Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng 1 loại hormone được tạo ra trong cơ thể có thể giúp phản ứng lại sự căng thẳng ở những người trưởng thành điềm tĩnh và trẻ con thay vào đó nó lại làm tăng mức độ căng thẳng ở lứa tuổi thiếu niên.

Người ta đã tiến hành thử nghiệm với chuột cái tập trung vào loại hormone THP trên nó, hormone này thể hiện tác động nghịch lý trên và mô tả cơ cấu bộ não giúp giải thích hiện tượng đó.



THP còn được gọi là allopregnanolone có tác dụng như là một loại thuốc an thần tự nhiên.



Loại hormone này không lập tức tạo ra khi có stress và phải mất nhiều phút sau đó, nó làm bớt đi hoạt động của thần kinh nhằm giảm sự lo lắng và giúp cá thể thích nghi và hoạt động thích hợp trong lúc căng thẳng.



Một nhóm nghiên cứu thuộc trung tâm y khoa đại học phía nam bang NewYork được chỉ đạo bởi giáo sư sinh lý và dược học Sheryl Smith đã tiến hành xem xét hoạt động não và hành vi của chuột trước tuổi dậy thì, vào tuổi dậy thì và trưởng thành.



Các chuyên gia bắt những con chuột chịu đựng sự việc đầy căng thẳng bằng cách bất thình lình đặt chúng vào bên trong một vật chứa bằng thủy tinh plexi không lớn hơn cơ thể nó là bao nhiêu và giữ chúng ở đó trong vòng 45 phút.



Giáo sư Smith nói 20 phút sau khi bị stress cả những con chuột con và những con trưởng thành cho thấy ít lo sợ hơn, nhưng những con ở độ tuổi dậy thì lo sợ nhiều hơn.



Các chuyên gia khoa học nghi ngờ vấn đề tương tự cũng xảy ra với người như với chuột và hiện tượng này có thể giúp phát hiện ra những sự thay đổi tâm tính và sự căng thẳng xuất hiện ở thiếu niên.



Giáo sư Smith nói thêm điều này không có nghĩa là thiếu niên lúc nào cũng nổi giận, tuy nhiên sẽ trạng thái thay đổi khi chúng trông có vẻ tốt và thoải mãi thì đột nhiên sau đó bật khóc hay giận dữ.



Ông nghĩ đó là lý do tại sao người ta dùng thuật ngữ “hormone thịnh nộ”. Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu trên tập san Nature Neuroscience thì những thay đổi tình cảm không phải lúc nào cũng tốt.



Để đáp lại sự căng thẳng đang được tăng dần lên, vào lúc đó sự lo sợ hay hoảng sợ sẽ xuất hiện, và có khả năng xảy ra cao gấp 2 lần ở những cô bé hơn là các cậu bé.


Ngoài ra nguy cơ tự tử cũng tăng cao ở lứa tuổi này cho dù đã dùng đến những phương thức y khoa dựa trên người trưởng thành.

Ánh Phượng

Theo ABCNewsOnline, Sở KH & CN Đồng Nai

Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010

Vì sao tia chớp có hình cành cây ?

Vì sao tia chớp có hình cành cây ?
Chớp mở đường tìm nơi có điện tích dương mà tới, nên tạo ra đường dích dắc hình cành cây. Trong cơn dông mùa hè, bạn có thể thấy từ những đám mây đen lớn nằm sát chân trời, các tia chớp vạch thành đường ngoằn ngoèo chẽ nhành nom tựa cành cây dốc ngược phóng xuống đất. Không phải ngẫu nhiên mà tia chớp lại có hình dạng đặc biệt như vậy!



Phần đáy đám mây trong cơn mưa có mang điện tích âm, còn mặt đất do cảm ứng mà có điện tích dương. Sự phóng điện giữa hai vật thể khởi đầu bằng một chớp mang điện tích âm từ đáy đám mây phóng xuống mặt đất để mở đường. Chớp này được gọi là tia chớp mở đường.

Quá trình đi trước mở đường này thường không mấy khi được thuận lợi. Trước tiên nó phải đi vào vùng không gian điện tích dương phân bố hỗn loạn phía dưới gầm đám mây. Những điện tích dương này vốn là điện tích cảm ứng của mặt đất tập trung với mật độ khá cao trên các vật thể nhọn dưới mặt đất (như đỉnh tháp, ngọn cây), do tác dụng cùng dấu đẩy nhau mà đi vào lớp không khí hỗn loạn ở tầng thấp dưới đám mây.


Chớp mở đường luôn tìm đường đi tới những không gian điện tích dương ở kề bên cạnh. Nếu như cạnh nó có hai hoặc nhiều không gian điện tích dương thì tia chớp phải phân ra thành nhánh để đi.

Nói chung, chớp dẫn đường đi qua vùng không khí ẩm dễ dàng hơn là vùng không khí khô. Do trên đường đi, nó phải chọn đường ẩm, tránh đường khô nên để lại một vệt ngoằn ngoèo gấp khúc từ vùng điện tích dương tới không gian điện tích dương khác ở thấp hơn. Trên đường đi ấy nó vẫn tiếp tục phân nhánh tạo ra hình cành cây lộn ngược

Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2010

Mười vạn câu hỏi vì sao?

Vì sao, tại sao, hãy trả lời em tại sao, kho tàng kiến thức nhân loại, mười vạn câu hỏi vì sao, Hoá học, Thiên văn học, Toán học, Vật lý học, Môi trường, Động vật, Thực vật, Sinh học, Địa chất, Thiên nhiên, Khoa học kỹ thuật, vi sao, hay tra loi em tai sao, kho tang kien thuc nhan loai, muoi van cau hoi vi sao, hoa hoc, thien van hoc, dia ly, dong vat, thuc vat, sinh hoc, dia chat, thien nhien, khoa hoc ky thuat

có liên quan tới: Mười vạn câu hỏi vì sao? (xem trên Google Sidewiki)

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

Tại sao mũi lại có thể ngửi được các loại mùi vị?

Tại sao mũi lại có thể ngửi được các loại mùi vị?

Mũi của con người có hai chức năng chính, thứ nhất là dùng để hít thở không khí, hai là cơ quan khứu giác của cơ thể. Trong cuộc sống hàng ngày, tác dụng của khứu giác là không thể thiếu được đối với con người, ví như mắt và tai chưa nhìn và nghe thấy sự vật hiện tượng nhưng mũi đã có thể ngửi thấy. Vì vậy phi phát hiện ra có hoả hoạn thì lập tức có thể chữa cháy kịp thời.

Có một số đồ vật mặc dù chúng ta đặt trên tay, sờ vào nó, nhìn thấy nó, nghe được âm thanh của nó nhưng vẫn không thể nhận ra vật đó là vật gì, điều này chứng tỏ khứu giác có thể giúp phân biệt, nhận biết được các loại vật chất. Một số người đã qua những lớp huấn luyện đặc biệt về khứu giác vì vậy họ có một khả năng phân biệt mùi vị đặc biệt, ví dụ như những kĩ sư làm việc trong ngành chế biến nước hoa, có thể nói họ chính là những chuyên gia về mùi vị, họ chỉ cần dùng mũi cũng có thể phân biệt được các loại mùi hương đồng thời đưa ra đánh giá loại nước hoa đó tốt hay dở…

Hay những kỹ sư đánh giá các sản phẩm chè, cà phê, rượu ngoài việc cần có một vị giác tốt ra thì cũng cần phải có một khứu giác mẫn cảm, có như vậy họ mới có thể phân biệt được chất lượng tốt xấu, có thể phân chia chủng loại của từng sản phẩm được. Ngoài ra khứu giác còn có thể tăng cảm giác muốn ăn, khi chúng ta ngửi thấy mùi thơm của một loại thức ăn nào đó thì lập tức sẽ cảm thấy thèm ăn. Có lẽ ai cũng đã từng trải qua những lần cảm cúm, bị ngạt mũi nên dù ăn thức ăn ngon đến mấy chúng ta cũng không muốn ăn và ăn cũng không cảm thấy ngon được. Thực ra mùi vị thức ăn vẫn rất ngon nhưng do mũi của chúng ta bị ngạt nên không ngửi thấy được mùi vị thơm ngon của thức ăn vì vậy cảm giác thèm ăn không được kích thích.



Mũi có thể ngửi được các loại mùi vị là trong thành khoang mũi có một lớp niêm mạc dầy khoảng 5 mm2, trên đó phân bố khoảng hơn 10.000.000 tế bào khứu giác, những tế bào này có liên hệ rất mật thiết với đại não. Như chúng ta đều đã biết khí là do tác dụng của các phân tử khí tạo thành. Khi con người hít thở không khí, những phân tử khí phát tán trong không trung sẽ dính vào niêm mạc khoang mũi, kết hợp với các tế bào khứu giác trong khoang mũi.

Lúc này các tế bào khứu giác trong khoang mũi lập tức sẽ hưng phấn lên, chuyển những kích thích này thành những tín hiệu đặc biệt và truyền đến đại não thông qua các dây thần kinh khứu giác, vì vậy tạo ra khứu giác giúp cho chúng ta có thể ngửi thấy các loại mùi vị bằng mũi.

Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010

Thế nào là “Hà Nội 36 phố phường”?

Thế nào là “Hà Nội 36 phố phường”?

Nội thành Hà Nội hiện nay có 7 quận gồm 102 phường, tức 102 đơn vị hành chính cấp cơ sở với trên 400 phố và ngõ. Nhưng đó là phường và phố Hà Nội hiện nay. Còn ca dao cổ có câu:

Hà Nội băm sáu phố phường.
Hàng Gạo, Hàng Đường, Hàng Muối trắng tinh…


Câu ca dao đó nay ai cũng thuộc nhưng không chính xác!



Thực ra, phố và phường là hai phạm trù khác nhau.



Vào thời Lê, phường ngoài nội dung chỉ các tổ chức của những người cùng làm một nghề (phường chèo, phường thợ) thì còn một nội dung nữa, chỉ những khu vực địa lý được coi là đơn vị hành chính cấp cơ sở ở kinh thành Thăng Long. Sử cũ còn ghi Thăng Long đời Lê gọi là phủ Phụng Thiên. Chia ra hai huyện Vĩnh Xương (sau đổi ra Thọ Xương) và Quảng Đức (sau đổi ra Vĩnh Thuận). Mỗi huyện 18 phường. Như vậy, Thăng Long có 36 phường. Suốt ba thế kỷ, nhà Lê vẫn giữ nguyên sự phân định hành chính đó.



Sang đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đổi Thăng Long là phủ Hoài Đức và chia nhỏ ra làm nhiều đơn vị mới, có tên gọi là phường, thôn, trại. Huyện Thọ Xương bị chia ra làm 8 tổng với 183 phường, thôn, trại; huyện Vĩnh Thuận bị chia ra làm 5 tổng với 56 phường, thôn, trại. Tổng cộng phủ Hoài Đức, tức kinh thành Thăng Long cũ, gồm 13 tổng, 239 phường, thôn, trại.



Đến khoảng giữa thế kỷ XIX hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận vẫn y nguyên 13 tổng nhưng con số các phường, thôn, trại rút xuống mạnh (do sát nhập): Thọ Xương còn 113 phường, thôn, trại. Vĩnh Thuận còn 40 phường, thôn, trại. Tổng cộng là 153 phường, thôn, trại. Như vậy là nhà Lê cho Thăng Long hưởng một quy chế riêng (gọi là Phủ, trực thuộc trung ương và suốt ba thế kỷ chỉ gồm có 36 phường). Ngược lại, nhà Nguyễn đã đánh đồng Thăng Long với các phủ khác, phải lệ thuộc vào tỉnh và cũng có tổng, có thôn, có trại như mọi nơi. Đó là một việc làm của chủ trương “hạ cấp” Thăng Long.



Như thế, không làm gì có cái gọi là “Hà Nội 36 phố phường”. Chỉ có Thăng Long thời Lê có 36 phường hoặc là Hà Nội thời Minh Mạng có 239 phường, thôn, trại và Hà Nội thời Tự Đức với 153 phường, thôn, trại. Do tình hình chia nhỏ Thăng Long nên một phường đời Lê đã phân ra làm nhiều phường, thôn, trại thời Nguyễn.



Bây giờ sang vấn đề phố. Phố khác hẳn phường. Nếu phường nguyên nghĩa là một khu vực hành chính thì phố nguyên nghĩa là chỗ bán hàng, nơi bày hàng, tức là như ta nói ngày nay là cửa hàng, cửa hiệu. Phố có thể là một ngôi nhà bày bán hàng mà cũng có thể ban đầu chỉ là một chỗ trống nhưng lấy làm nơi bày hàng hoá để buôn bán. Cho nên ví dụ như cụm từ phố Hàng Trống nguyên nghĩa chỉ là một ngôi nhà, một cửa hàng có bán mặt hàng là trống. Cũng vậy phố Hàng Chiếu vốn chỉ là một nhà có bán mặt hàng chiếu…

Song do các “phố” tập trung ken sát nhau thành một dãy (dài hoặc ngắn là tuỳ) nên cái dãy gồm nhiều phố ấy (phố với nghĩa là cửa hàng, cửa hiệu) cũng được gọi tắt là phố. Và dần dần cái từ phố mới biến nghĩa là một dãy các cửa hàng cửa hiệu đã lấn át cái từ phố có nguyên nghĩa là một ngôi nhà bày bán hàng. Và thế là thay vì nói dãy phố Hàng Chiếu, dãy phố Hàng Bạc… để chỉ những con đường mà hai bên là những ngôi nhà bày bán chiếu, bán vàng bạc… Hiện nay trong ngôn ngữ miền Bắc, từ phố với nguyên nghĩa là ngôi nhà, cửa hàng đã phai mờ hoàn toàn, song miền Trung, miền Nam thì lớp trung niên trở lên vẫn sử dụng.


Do sự hình thành như vậy mà trong một phường cổ có nhiều phố. Như trong cùng phường Đông Các có phố Hàng Bạc, phố Hàng Mắm, phố Hàng Giày… Cho nên phường không bao giờ lại ngang hàng với phố mà là trùm lên các phố. Và cũng vì thế, 36 phố phường thời Lê không thể là 36 phố + phường được.

(Hỏi đáp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội)

Thứ Hai, 27 tháng 9, 2010

Tại sao rất khó nhìn thấy xác voi?

Tại sao rất khó nhìn thấy xác voi?

Voi là một trong số những loài động vật lớn nhất trên lục địa. Trong rừng rậm, các động vật khác rất khó uy hiếp được voi. Tuy nhiên, khi voi bị chết thì hầu như không ai nhìn thấy xác chúng. Tại sao như vậy?

tai sao rat kho nhin thay voi gia

Đó là do những con voi khác đã chôn đồng loại của mình. Một buổi chiều, nhà động vật học người Anh Haway Kelly đã tận mắt chứng kiến “lễ chôn cất” voi.

Một con voi cái đã già sắp chết, rũ đầu đi lảo đảo tiến về phía trước và cuối cùng ngã xuống đất. Những con voi khác vây xung quanh nó phát ra những tiếng kêu buồn đau thương.

Đàn voi đứng xung quanh con voi già, cúi đầu, không ngừng dùng vòi xoa lên thi thể voi già. Sau cùng, chúng dùng đất và cỏ cây phủ lên mình con voi đã chết. Voi không những có thể che đậy xác chết mà còn bẻ gãy ngà con voi chết, sau đó chúng đập ngà vào đá hay thân cây làm cho ngà nát vụn. Lý do tại sao chúng lại đập nát ngà voi chết thì các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được.

H.T (theo Hỏi đáp khoa học)

Tại sao sữa bò có màu trắng?

Tại sao sữa bò có màu trắng?
Sữa là món giải khát tự nhiên cho trẻ, cung cấp mọi chất dinh dưỡng mà một em bé cần cho sự sinh trưởng. Trong sữa bò có thành phần cazein kết hợp với một số chất béo, tạo nên màu trắng.

sua bo co mau trang

Sữa bò cung cấp một loạt các chất dinh dưỡng cần thiết cho con người, mặc dù nó có thể gây ra sự kháng lactoza - tình trạng khó tiêu hoá đường đặc trưng trong sữa.

Sữa bao gồm 5% lactoza, 3,7% mỡ và 3,5% protein. Chất cazein giàu canxi là protein phổ biến nhất và sự kết hợp của cazein với một số chất béo tạo nên màu sắc cho món đồ uống ngon lành này.

Màu trắng là màu tự nhiên của sữa, là kết quả của các bước sóng của ánh sáng nhìn thấy được chiếu vào mắt. Cazein và một số chất béo phản chiếu dải bước sóng rộng nên khiến sữa có màu trắng.

M.T.

Theo Livescience,

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

Vì sao khác nhóm máu thì không thể tiếp máu?

Vì sao khác nhóm máu thì không thể tiếp máu?

Trước kia, do không biết sự tồn tại của các nhóm máu khác nhau nên khi bệnh nhân cần máu, bất cứ người khỏe mạnh nào cũng đều có thể cho máu. Nhiều người sau khi được tiếp máu đã chết hoặc lâm vào tình trạng xấu đi. Năm 1902, nhà bệnh lý học người Áo là Lanterstana mới làm sáng tỏ bí mật về máu và đưa ra khái niệm nhóm máu. Ông chia máu người thành 4 nhóm: A, B, AB, O.

Người có kháng nguyên A trên bề mặt các hồng cầu được xếp vào nhóm máu A. Người có kháng nguyên B trên bề mặt hồng cầu được coi là thuộc nhóm máu B. Người có cả 2 kháng nguyên trên thuộc nhóm máu AB. Người không có cả 2 kháng nguyên A và B được xếp vào nhóm máu O.

Nhóm máu O có thể tương tác với các nhóm máu bất kỳ khác mà không có phản ứng của kháng thể. Vì vậy, người thuộc nhóm máu này có thể cho máu bất kỳ ai. Ngược lại, nhóm máu AB vì không phản ứng với bất cứ kháng nguyên nào nên có thể tiếp nhận tất cả các nhóm máu.

Việc nhận máu thuộc nhóm không phù hợp sẽ dẫn đến phản ứng đông máu, tế bào hồng cầu bị biến dạng, gập lại, gây nguy hiểm cho tính mạng

Vì sao khi chạy tim đập nhanh hơn?

Vì sao khi chạy tim đập nhanh hơn?

Tim giống như một cái bơm tự động, ngày đêm không ngừng co bóp, đưa máu chứa ôxy và chất bổ đến khắp cơ thể. Khi ngủ hoặc nghỉ ngơi, lượng máu từ tim đưa ra mỗi phút khoảng 3-5 lít là đủ, cho nên tim đập tương đối chậm, lực co bóp cũng không lớn lắm. Khi cơ bắp bắt đầu hoạt động, nhu cầu ôxy và chất bổ nhiều hơn so với khi yên tĩnh, lượng máu của tim đưa ra cũng phải tăng lên tương ứng mới thỏa mãn nhu cầu của cơ thể. Một động tác dù là rất nhẹ (ví dụ mỗi giây gập chân một lần) cũng sẽ khiến cho lượng máu từ tim đưa ra tăng lên nhiều lần. Khi vận động mạch như chạy, bơi lội, lượng máu tim đưa ra càng nhiều hơn.

Trong một phút, tim của người có thể co bóp đưa ra khoảng 20 lít máu, nhiều gấp 5 hoặc 6 lần so với lúc nghỉ ngơi. Ở vận động viên, tim co bóp mạnh mẽ hơn, một phút có thể đưa ra 30 - 35 lít máu, thậm chí vượt quá 40 lít. Có thể bạn sẽ lấy làm lạ, khi vận động, lượng máu luân chuyển tăng lên là từ đâu mà có? Thứ nhất, cơ thể phải động viên máu cấp tốc. Bình thường, máu chứa trong gan, lá lách và ở các mạch máu dưới da. Khi cần, nó được điều động cấp tốc để cùng tham gia cung cấp ôxy, chất bổ và vận chuyển chất thải, bảo đảm cho cơ bắp vận động linh hoạt và mạnh mẽ. Thứ hai, cơ thể tăng tốc độ tuần hoàn máu. Lúc nghỉ ngơi, máu tuần hoàn trong cơ thể 4-5 lần/phút, còn lúc vận động có thể tuần hoàn đến 7 lần; lượng máu qua tim cũng tăng lên, do đó lượng máu từ tim đưa ra sẽ tăng lên rất nhiều. Một quả tim khỏe mạnh sẽ căn cứ vào những đòi hỏi khác nhau mà hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.


Tim dựa vào sức mạnh nào để vận chuyển máu tăng thêm? Chủ yếu là bằng hai biện pháp: tăng nhanh nhịp đập và tăng cường lực co bóp. Như vậy, lượng máu chảy qua cả động mạch và tĩnh mạch đều tăng.


Khi bạn chạy hoặc leo núi, vì vận động mạnh nên thần kinh giao cảm được hưng phấn, nhịp tim tăng nhanh, lực co bóp tăng, do đó bạn sẽ cảm thấy tim đập vừa nhanh vừa nặng, rất mãnh liệt.
Nói như thế nghĩa là việc chạy đã tăng thêm gánh nặng cho tim chăng? Nó có lợi gì cho sự khỏe mạnh của tim không? Có lợi rất lớn. Nguyên là tim đang cần có một phụ tải nhất định để tăng thêm sự lành mạnh. Vì khi công việc tăng lên, động mạch vành cũng đòi hỏi lượng máu chảy qua phải nhiều hơn, nhờ đó mà tim cũng được cung cấp nhiều ôxy và chất bổ hơn. Quả tim trong điều kiện "làm nhiều được hưởng nhiều" như thế nên sẽ khỏe hơn.

Vì sao khi giật mình mặt lại tái xanh?

Vì sao khi giật mình mặt lại tái xanh?

Trong cuộc sống, hầu như mọi người đều gặp những trường hợp khẩn cấp nào đó. Khi đột nhiên bị giật mình, cơ thể sẽ có phản ứng, biểu hiện là mặt tái xanh, thậm chí có thể tứ chi lạnh, toát mồ hôi, nổi da gà.

Đó là vì trong cơ thể có một hệ thống phòng ngự. Khi bị kích thích mạnh, cơ thể sẽ có hàng loạt phản ứng do thần kinh phát ra. Ví dụ như hiện tượng thần kinh giao cảm sẽ hưng phấn, tuyến yên - vỏ tuyến thượng thận sẽ tiết ra nhiều chất nội tiết hơn hơn để thích ứng với sự kích thích mãnh liệt đó, nhằm nâng cao khả năng đề kháng của cơ thể đối với ngoại giới, trong y học gọi là "kích thích phản ứng".


Thần kinh giao cảm hưng phấn, tuyến yên - vỏ tuyến thượng thận tiết ra nhiều chất kích thích hơn khiến tim đập nhanh, lực co bóp mạnh, dẫn máu ra nhiều, nâng cao huyết áp. Ngoài ra, nó còn thúc đẩy sự phân bố lại lượng máu trong cơ thể. Khi đó da, các tạng phủ trong bụng và mạch máu thận co lại, còn mạch máu ở não không bị co, bắp cũng mở rộng bảo đảm cho tim, não và các cơ bắp được cung cấp nhiều máu hơn. Điều này sẽ có lợi cho việc chống lại những kích thích mạnh của ngoại giới, bảo đảm cho cơ thể không bị tổn thương. Vì khi đó da, rất nhiều động mạch nhỏ trong các cơ quan nội tạng, các mạch máu li ti co hẹp lại nên ở những bộ phận này phát sinh hiện tượng thiếu máu, thiếu ôxy, làm cho mặt tái xanh, tứ chi phát lạnh, toát mồ hôi và chân lông dựng lên.


Cơ thể sẽ nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường nếu cảm xúc không quá mãnh liệt, thời gian xẩy ra ngắn. Phản ứng ứng phó kích thích kể trên có lợi cho việc điều động toàn thân nhằm hoàn thành nhiệm vụ khẩn cấp, hoặc tránh được tối đa khả năng gây nguy hiểm cho ta. Nghĩa là nó sẽ khiến cho ta ứng phó có hiệu quả trước những khó khăn trong cuộc sống. Nhưng nếu bị kích thích quá mạnh, kéo dài hoặc thường xuyên, cơ thể chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Nhường đất xây thành Thăng Long, dân Đại La về đâu lập nghiệp?

Nhường đất xây thành Thăng Long, dân Đại La về đâu lập nghiệp?

Năm 1010, theo chiếu rời đô của vua Lý Thái Tổ, nhân dân ở trung tâm thành Đại La phải rời đi nơi khác để nhường đất cho triều đình xây dựng cung điện, thành lập kinh đô mới mang tên Thăng Long. Những người dân này, tương truyền, đã tề tựu về bốn thôn của Phấn Lôi Trang an cư, lạc nghiệp.

Phấn Lôi Trang nay là làng Vân Lôi ở phía Tây Nam của xã Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội. Trong cuốn Bình Yên -những chặng đường lịch sử của địa phương này ghi rõ, những người di cư được chiếu chỉ vua ban cho đi đến đâu thấy phù hợp thì được phép trụ lại để lập nghiệp. Quan chức và dân chúng nơi sở tại phải có trách nhiệm giúp đỡ.

Khi về đến làng Đại Đồng (Thạch Thất) trụ lại, họ được chức dịch và nhân dân đón tiếp trọng thị. Nhưng vì nơi đây đã đông dân cư, đất đai ít nên những người đi tìm đất mới chỉ tạm trú một thời gian và cử người đi tiền trạm.

Thành Đại La xưa

Thành Đại La xưa. (Tranh minh họa: Sưu tầm)

Họ vượt qua sông Tích tìm đến khu vực tứ thôn Vân Lôi hiện nay, khảo sát thấy đất đai rộng, màu mỡ, địa thế đẹp, có đồi, gò, rừng cây và những khu đất bằng phẳng, có nguồn nước và khí hậu tốt, lại có những quả đồi nho nhỏ giống như cái chiêng, trống, lọng, võng đẹp nên đã quyết định ở lại đây.

Những người đi tiền trạm đã cắm mốc, đánh dấu rồi trở lại nơi tạm trú ở Đại Đồng đón dân đến định cư lập nên bốn thôn Vân Lôi, Cánh Chủ, Thái Bình và Kim Vông. Do có ân tình từ xưa như vậy nên về sau, trong suốt một thời gian dài, người các làng thuộc bốn thôn ở làng Vân Lôi vẫn là thanh viên của Tổng Đại Đồng (nay là các xã Đại Đồng, Hồng Câu, Cẩm Bào, Yên Lễ, Thôn Nhị, Vân Lôi và phường Hoa Xá).

Cũng theo tương truyền, Phấn Lôi Trang sau này còn được gọi với tên nôm là làng Roi. Có ý kiến cho rằng, sở dĩ gọi như vậy là vì những người đi tiền trạm, trong cuộc tìm đất định cư ngày ấy, đã lấy những cành cây nhỏ như những cái roi để cắm mốc vì vậy gọi là làng Roi. Nhưng một số ý kiến khác cho là do khu vực đất Vân Lôi gồm những gò cao, gioi đất không có nước, nên mới gọi tên là làng Gioi.

Những người dân thành Đại La sau khi về Vân Lôi an cư, lạc nghiệp đã hòa vào nhịp sống của người dân quanh vùng. Bằng công sức lao động và trí tuệ của mình, họ đã góp phần cùng người dân bản địa xây dựng và củng cố cho mảnh đất Bình Yên ngày càng khang trang, vững chắc và đậm đà bản sắc văn hóa. Những ngày này, người dân cả nước đang hào hứng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thì ở Vân Lôi nói riêng và ở Bình Yên nói riêng chung, người dân cũng đang náo nức kỷ niệm 1.000 năm thành lập thôn, làng mình.

Nguồn gốc tên gọi Thăng Long?

Nguồn gốc tên gọi Thăng Long?

Năm 1010, tương truyền khi vua Lý Công Uẩn rời kinh đô từ Hoa Lư đến đất Đại La thì thấy rồng bay lên nên gọi tên kinh đô mới là Thăng Long, hay "rồng bay lên" theo nghĩa Hán Việt. Ngày nay tên Thăng Long còn dùng trong văn chương, trong những cụm từ như "Thăng Long ngàn năm văn vật"...

Năm 1243, nhà Trần tôn tạo sửa đổi và gọi Thăng Long là Long Phượng. Cuối thời Trần, Hồ Quý Ly cho đặt tên là Đông Đô

Năm 1428, Lê Lợi đặt kinh đô tại Thăng Long và đổi tên là Đông Kinh, vào khoảng thế kỷ 16, khi Đông Kinh trở thành một đô thị sầm uất, có cả người Châu Âu đến buôn bán, thì trong dân gian bắt đầu gọi Đông Kinh là Kẻ Chợ. Theo 1 người đã đến kinh đô Thăng Long là ông William Dampier người Anh thì tại đây có tới 20.000 nóc nhà, thường thấp, tường trát bùn và mái lợp rơm. Dù vậy cũng có 1 số nhà xây bằng gạch và lợp ngói. Kinh thành có 2 lâu đài rất tầm thường được dựng bằng gỗ. Hoàng cung được xây dựng nguy nga hơn dù cũng làm bằng gỗ

Năm 1805, sau khi thống nhất đất nước, nhà Nguyễn đặt kinh đô tại Phú Xuân Huế) và cho phá thành Thăng Long để xây thành theo phương pháp của phương Tây do kỹ sư Pháp giúp đỡ. Đồng thời vua Gia Long đổi tên chữ Hán của Thăng Long 昇龍, với nghĩa là "rồng bay lên" thành ra từ đồng âm Thăng Long 昇隆, nhưng mang nghĩa là "thịnh vượng" khác nghĩa với thời các triều đại trước, vì cho rằng Thăng Long lúc đó không còn là kinh đô nơi vua ở cho nên không dùng biểu tượng rồng, linh vật tượng trưng cho vương quyền. Gia Long đổi phủ Phụng Thiên thành phủ Hoài Đức, còn tại kinh đô Huế cho lập phủ Thừa Thiên, trực lệ kinh kỳ. Thăng Long 昇隆 tồn tại cho đến thời vua Minh Mạng khi bãi bỏ Bắc Thành tổng trấn và thành lập tỉnh Hà Nội, năm 1831 niên hiệu Minh Mạng thứ 12.

Từ tháng 12 năm 2002 đến nay, trên khu vực thuộc Hoàng thành Thăng Long xưa (khu vực giữa các phố Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, Bắc Sơn ở Hà Nội), các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật trên một diện tích khoảng hơn 19 nghìn m², phát lộ một phức hệ di tích-di vật rất phong phú, đa dạng từ La Thành-Đại La (thế kỉ 7-9) đến thành Thăng Long (thế kỉ 11-18) và thành Hà Nội (thế kỉ 19).

con duong gom su ven song Hong

Năm 2010, là kỷ niệm 1 thiên niên kỷ của Thăng Long – Hà Nội.

Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

Vì Sao Có Xá Lợi - Xá Lợi Ở Đâu Ra ?

Vì Sao Có Xá Lợi - Xá Lợi Ở Đâu Ra ?

Xá Lợi Là Gì ? Từ Đâu Mà Có ? Tại Sao Gọi Xá Lợi ? Xá Lợi Tại Sao Lại Vô Giá ?

Việc thờ phượng và chiêm bái Xá-Lợi Phật đã được phổ biến đến Phật tử Việt Nam rất lâu. Xá-Lợi Phật là phần di thể còn lại sau lễ hỏa táng nhục thân của một bậc vĩ nhân đã sanh ra trong hoàng tộc Sākya: Thái tử Siddhattha (Sĩ-đạt-ta).

Ngài đã từ bỏ ngai vàng, vợ đẹp, con thơ, lên đường tầm cầu giải thoát, đã thanh lọc mọi ô nhiễm trong tâm và trở thành bậc hoàn toàn giác ngộ, sau đó đã tận tụy 49 năm dìu dắt chúng sanh thoát qua biển khổ trầm luân của hiện hữu.



Với lòng từ bi vô lượng, Ngài đã để lưu lại Xá-Lợi ở thế gian này sau khi viên tịch Niết Bàn để cho chúng sanh đời sau còn có duyên may chiêm bái và cúng dường. Vì thế, Xá-Lợi Phật là bằng chứng hùng hồn nhất về sự hiện diện của Ngài và ý nghĩa của sự xuất hiện ấy không ngoài mục đích giúp cho chúng sanh đoạn tận mọi khổ đau, thành tựu cứu cánh giải thoát Niết Bàn, không còn luân hồi sanh tử.



Do lòng kính trọng ân đức Phật Bảo nên chúng ta quý trọng và tôn thờ những gì có liên quan đến Ngài. Do sự bày tỏ lòng tôn kính qua hình thức chiêm bái cúng dường đến Xá-Lợi của Ngài, nghiệp quả lành sẽ phát sanh, đồng thời niềm tin vào con đường giải thoát sẽ được củng cố và tăng trưởng. Việc xây dựng các ngôi bảo tháp thờ Xá-Lợi Phật, trước tiên ở cõi trời, kế đến là Ấn Độ, sau đó là Tích Lan, v.v... và hiện nay đang được tiến hành tại nhiều nơi trên thế giới cũng không ngoài mục đích trên.



Xá Lợi là gì?

Xá lợi được phiên âm của từ “sarira”, nghĩa đen là “những hạt cứng”. Danh từ Xá Lợi không phải là xa lạ đối với người Á Châu. Người con Phật vẫn thường nghe nói đến Xá Lợi, và của chư Tổ. Không phải ai cũng có đủ duyên lành được chiêm ngưỡng Xá Lợi Phật .



Xá Lợi là sự kết tinh kỳ diệu của sự thành đạt tâm linh, của sự phát triển tột cùng của hạnh từ bi và trí tuệ. Xá Lợi có những hình dạng như những viên ngọc trai hay đá quí nhiều màu sắc, long lanh như ngọc, rắn như kim cương, búa đập không vỡ, lửa thiêu không cháy, thu nhặt được sau lễ trà tỳ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, các bậc Thánh đệ tử và các vị Đại Sư.


Theo ghi chép trong lịch sử Phật giáo, khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni viên tịch, hàng đệ tử làm lễ trà tỳ. Sau khi lửa tàn, họ phát hiện trong tro có rất nhiều tinh thể trong suốt, hình dạng và kích thước khác nhau, cứng như thép, lóng lánh và tỏa ra những tia sáng muôn màu, giống như những viên ngọc quý. Họ đếm được cả thảy 84.000 viên, đựng đầy trong 8 hộc và 4 đấu. những vật thể đó được đặt tên là Xá lợi, là bảo vật của Phật giáo.



Xá lợi của hàng đệ tử

Có thể nói hầu hết đệ tử của Đức Phật từ hàng xuất gia đến tại gia đều có Xá lợi sau khi hỏa táng. (ngoại trừ người đó mắc bệnh tiểu đường, ung thư…) Kích cỡ và màu sắc cũng có khác nhau, nhưng có chung một điểm là: “Chẳng phải kim loại, chẳng phải phi kim, cũng chẳng phải kim cương đốt không cháy, thậm chí vẫn sáng lấp lánh màu sắc, thách thức với thời gian, chẳng mảy may hư hỏng”.



Những năm gần đây, lịch sử Phật giáo và giới khoa học đã ghi lại khá nhiều trường hợp các vị cao Tăng sau khi viên tịch, hỏa thiêu đã để lại Xá lợi. Tháng 12/1990, Hoằng Huyền pháp sư ở Singapore viên tịch, sau khi thi thể được hỏa thiêu, người ta phát hiện thấy trong phần tro của ngài có 480 hạt cứng, loại cỡ như hạt đỗ tương, loại nhỏ bằng hạt gạo, trông gần như trong suốt và tỏa sáng lấp lánh như kim cương. Sau khi phân tích, các nhà nghiên cứu đã xác định rằng đó chính là Xá Lợi.



Tháng 3/1991, Phó hội trưởng Hội Phật giáo Ngũ Đài Sơn, ủy viên thường vụ Hội Phật giáo Trung Quốc, sau khi viên tịch đã được hỏa táng theo tâm nguyện của ngài. Trong tro có tới 11.000 hạt xá lợi, đạt kỷ lục thế giới từ trước đến nay về những trường hợp xá lợi được ghi nhận chính thức.



Viên xá lợi có thể to như quả trứng vịt, đó là trường hợp của pháp sư Khoan Năng, vị trụ trì Tây Sơn Tẩy Thạch Am ở huyện Quế Bình, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Ngày 27/9/1989, ngài viên tịch ở tuổi 93. Sau khi hỏa thiêu, người ta tìm thấy trong tro hài cốt 3 viên xá lợi màu xanh lục, trong suốt, đường kính mỗi viên lên tới 3-4 cm, tựa như những viên ngọc lục bảo.



Khoa học chưa giải thích được Xá lợi

Gần đây, giới khoa học bắt đầu tìm cách giải thích những hiện tượng huyền bí được nhà Phật nói đến trong kinh điển. Thế nhưng khi bắt tay vào nghiên cứu hiện tượng xá lợi, họ đã gặp không ít trở ngại.



Phương Tây, người ta không tin là có Xá Lợi Phật Tổ. Mãi đến năm 1997, ông Peppé người Pháp khi tiến hành khảo cổ tại vùng Piprava, phía nam Népal, đã tìm thấy những viên xá lợi đựng trong chiếc hộp bằng đá. Trên hộp có khắc những văn tự Brahmi, nội dung như sau: “Đây là xá lợi của Đức Phật. Phần xá lợi này do bộ tộc Sakya, nước Savatthi phụng thờ”. Khám phá này đã chứng minh: Những gì được ghi trong kinh Trường A Hàm và một số kinh sách khác về việc phân chia xá lợi đức Phật thành 8 phần cho 8 quốc gia cổ đại khi Phật nhập Niết bàn là có thật. Điều kỳ lạ là trải qua hơn 25 thế kỷ, xá lợi Đức Phật vẫn còn nguyên vẹn, lấp lánh màu sắc.



Về sự hình thành của những viên xá lợi, cho đến nay vẫn tồn tại nhiều cách giải thích khác nhau. Các nhà xã hội học cho rằng, do thói quen ăn chay, thường xuyên sử dụng một khối lượng lớn chất xơ và chất khoáng, quá trình tiêu hóa và hấp thu rất dễ tạo ra các muối phosphate và carbonate. Những tinh thể muối đó tích lũy dần trong các bộ phận của cơ thể và cuối cùng biến thành xá lợi.



Tuy nhiên, giả thuyết này không đủ sức thuyết phục. Bởi lẽ số người ăn chay trên thế giới có tới hàng trăm vạn, nhưng tại sao không phải ai khi hỏa táng cũng sinh xá lợi? Số người theo đạo Phật cũng nhiều vô kể, thế nhưng tại sao trong cơ thể những tín đồ bình thường lại không có xá lợi?


Một số nhà khoa học cho rằng, có thể xá lợi là một hiện tượng có tính bệnh lý, tương tự như bệnh sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi mật... Giả thuyết này cũng khó đứng vững. Bởi vì, sau khi đưa xác đi thiêu, trong phần tro của những người mắc các chứng bệnh kể trên không hề phát hiện xá lợi. Mặt khác, những cao Tăng có xá lợi thường sinh thời thường rất khỏe mạnh, tuổi thọ cũng rất cao.



Nhà Phật cũng có những quan điểm riêng về vấn đề Xá Lợi . Quan điểm thứ nhất cho rằng xá lợi là kết quả của quá trình tu hành và khổ luyện. Quan điểm thứ hai cho rằng đó là kết quả của quá trình tu dưỡng đạo đức, chỉ xuất hiện ở những người có tấm lòng đại từ đại bi, luôn làm việc thiện.


Tuy nhiên, cuối cùng thì Xá Lợi đã được hình thành như thế nào? Thành phần của nó ra sao? Chẳng phải kim loại, chẳng phải phi kim, cũng chẳng phải kim cương, lục bảo, chỉ là tro cốt còn lại của người tu hành sau khi hỏa táng; vậy mà sao đốt không cháy, thậm chí vẫn sáng lấp lánh màu sắc, thách thức với thời gian, chẳng mảy may hư hỏng...? Hàng loạt câu hỏi như vậy cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.



Ích lợi gì cho những người chiêm bái?

Vì là kết tinh của sự thành đạt tâm linh, nên, như lời dạy của Lạt Ma Zopa Rinpoche, “mỗi phần nhục thân và Xá Lợi của các Ngài chứa đựng một năng lực mầu nhiệm có thể làm căn lành tăng trưởng và giải trừ nghiệp ác”. Vì thế, Xá Lợi có năng lực cảm hóa tâm người, phát triển lòng bác ái trong nội tâm của những ai có cơ duyên được chiêm bái Xá Lợi.

Phật đã từng dạy rằng có bốn nơi chốn đặc biệt: “nơi ta được sanh ra, nơi ta giác ngộ, nơi ta thuyết pháp và nơi ta nhập diệt. Sự thăm viếng một trong bốn nơi chốn này giống như sự gặp gỡ với chính bản thân ta.” Vậy thì khi chiêm ngưỡng Xá Lợi cũng tương tợ như thế.

Cho nên, những viên Xá lợi là tinh cốt còn lưu lại có công năng thù thắng, giúp tăng trưởng các điều lành thiện và tiêu trừ những điều xấu ác. Chỉ cần thành tâm, chúng ta có thể cảm nhận được năng lực mầu nhiệm của Xá Lợi.



Trong Kinh Sư Tử Hống, Đức Phật dạy: “Dù là bây giờ, cúng dường Như Lai, hay là mai sau, cúng dường Xá lợi, công đức tích tụ, ngang bằng như nhau, và quả gặt hái ngang bằng như nhau.”

Dù trong hiện tại chúng ta không đủ Phước Duyên để diện kiến Đức Phật, nhưng cũng vẫn có đầy đủ thiện duyên để gặp được Xá lợi Phật cùng Phật pháp. Vậy mặc dù Đức Phật không thị hiện ngay trước mặt chúng ta với sắc tướng quen thuộc của Ngài, chúng ta có thể thấy được Xá lợi Phật và vẫn còn có thể đạt giác ngộ.



Nên cúng dường Xá lợi như thế nào?

Cúng dường Xá lợi có ba cách:



1. Cúng dường tài vật, như tịnh tài, hoa, đèn, thực phẩm và thức uống.



2. Cúng dường tấm lòng kính ngưỡng tôn kính chư Phật bằng cách quét dọn nơi có Xá lợi, đảnh lễ cúng dường mạn đà la, xây tượng Phật và bảo tháp.



3. Cúng dường công phu hành trì: sống thuận theo chánh pháp, mở tấm lòng vị tha biết quan tâm cho người khác hơn bản thân, hay ít ra cũng khát khao cố gắng để được như vậy.

Nên nghĩ gì khi đến chiêm bái Xá lợi

Khi đến một nơi có Xá lợi, quan trọng nhất là đừng xem đây chỉ như một viện bảo tàng. Phải thấy Xá lợi chính là hiện thân của Phật và cũng là hiện thân của tất cả mọi tánh đức cao quí của đấng giác ngộ. Và dòng ánh sáng trắng rót xuống đỉnh đầu, tất cả ác nghiệp thân miệng ý kết thành khói đen, hay thành nước đục, và bị tống ra khỏi thân thể qua các lỗ chân lông.



Khi thân thể bị bệnh

Chúng ta nên đến trước Xá lợi, quán tưởng có luồng ánh sáng rót xuống đỉnh đầu của mình và chúng sinh, thấy tật bịnh cùng tất cả những gì làm giảm hại sức khỏe kết lại thành mũ máu và bị tống ra khỏi thân thể từ hai gót chân.



Chiêm bái Xá lợi lúc tâm bất an

Gặp việc phiền não trong gia đình hay bạn bè gây gỗ, chúng ta có thể đến chiêm bái Xá lợi, đi nhiễu quanh Xá lợi (đi quanh theo chiều kim đồng hồ). Quán tưởng các bậc thiện thệ giải thoát, nhờ siêng năng đoạn khổ đau, không chấp trước, luôn hỷ xả nên hình thành xá lợi. Nay con nguyện học theo hạnh đó xem phiền não: bò cạp, cóc, rắn rít…con cần phải tránh xa. Đồng thời cầu nguyện cho chúng sinh đang bị phiền não tác hại cũng nương theo đó mà được thanh tịnh. Thay vì than thân trách phận, tìm quên ở rượu chè nghiện ngập, phương pháp quán tưởng này sẽ giúp chúng ta đừng quá chú trọng đến bản thân, dùng khổ đau của chính mình làm động cơ thúc đẩy việc tu hành.



Vì sao phải đảnh lễ và đi nhiễu quanh Xá lợi

Tôi một lòng kính lễ quí vị, và cầu mong quí vị nên đi nhiễu, đảnh lễ Xá lợi Phật. Làm như vậy để nhận lực gia trì của chư Phật, điều này thật quan trọng. Vì lợi ích của chúng sinh mà chư Phật phát tâm bồ đề; vì lợi ích của chúng sinh mà chư Phật bước trên con đường tu; và cũng vì lợi ích của chúng sinh mà chư Phật thị hiện giác ngộ viên mãn.

Vì lý do này, chư Phật và Xá lợi Phật vô cùng mầu nhiệm, vẫn còn đó đầy đủ năng lực gia trì. Hiểu như vậy thì sẽ nhận được lực gia trì rất mãnh liệt. Cho dù tâm không định cũng vẫn có thể nhờ Xá lợi mà nhận được lực gia trì. Nhờ hiểu lý lẽ này, chúng ta có thể mau chóng giác ngộ. Cho dù không hiểu nhiều, chiêm bái Xá lợi cũng sẽ là nhân tố thành tựu đạo nghiệp trên bước đường tu tập và hướng đến giải thoát giác ngộ.

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

Những tên gọi của Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử

Những tên gọi của Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử
Thăng Long-Hà Nội là kinh đô lâu đời nhất trong lịch sử Việt Nam. Trước khi trở thành kinh đô của nước Đại Việt dưới triều Lý (1010), mảnh đất địa linh nhân kiệt này đã từng là trọng trấn của phong kiến phương Bắc (nhà Tùy 581-618, nhà Đường 618-907).


Từ khi hình thành cho đến nay, Thăng Long-Hà Nội có nhiều tên gọi khác nhau được chép trong sử sách Nhà nước Việt Nam:

1 - Long Đỗ: Truyền thuyết kể rằng, lúc Cao Biền nhà Đường, năm 866, đang đắp thành Đại La, phát hiện thần nhân hiện lên tự xưng là thần Long Đỗ. Do vậy, sử sách thường gọi Thăng Long là đất Long Đỗ.

2 - Tống Bình: Tống Bình là tên đất trị sở của thế lực đô hộ phương Bắc thời Tùy (581-618), Đường (618-907). Trước đó, trị sở đô hộ phương Bắc đóng ở vùng Long Biên (tức Bắc Ninh ngày nay), đến đời Tùy, mới chuyển đến Tống Bình.

3 - Đại La: Theo kiến trúc xưa, kinh đô bao giờ cũng có "tam trùng thành quách": trong cùng là Tử cấm thành (bức thành màu đỏ tía) nơi vua và hoàng tộc ở, giữa là Kinh thành và ngoài cùng là Đại La thành.

Năm 866, Cao Biền bồi đắp cho Đại La thành rộng và vững chãi hơn trước. Từ đó, có tên gọi thành Đại La. Bởi thế, trong Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ (1010) có viết: "... Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương (tức Cao Biền) ở giữa trời đất...".

4 - Thăng Long: Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép: "Mùa thu, tháng 7 năm Canh Tuất (1010), vua từ thành Hoa Lư dời đô ra Kinh phủ thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long". Đây là tên gọi có tính văn chương nhất, gợi cảm nhất trong các tên về Hà Nội.

5 - Đông Đô: Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép: "Mùa hạ tháng 4 năm Đinh Sửu (1397) lấy Phó tướng Lê Hán Thương (tức Hồ Hán Thương) coi phủ đô hộ là Đông Đô".

Trong "Khâm định Việt sử thông giám cương mực" có giải rõ: "Đông Đô tức Thăng Long, lúc ấy gọi Thanh Hóa là Tây Đô, Thăng Long là Đông Đô".

6 - Đông Quan: Quan quân nhà Minh gọi Thăng Long là Đông Quan với hàm nghĩa kỳ thị Kinh đô của nước ta chỉ được ví là "cửa quan phía Đông" của Nhà nước phong kiến Trung Hoa. Theo sử sách, năm 1408, quân Minh sau khi đánh bại cha con Hồ Quý Ly đã đóng đô ở thành Đông Đô, đổi tên thành Đông Quan.

7 - Đông Kinh: Thời Lê, vì Thanh Hóa có Tây Đô, cho nên gọi thành Thăng Long là Đông Kinh.

8 - Bắc Thành: Đời Tây Sơn (1787-1802) vì kinh đô đóng ở Phú Xuân (Huế), nên gọi Thăng Long là Bắc Thành.

9 - Thăng Long: Năm 1802, vua Gia Long quyết định đóng đô ở Phú Xuân (Huế), không ra Thăng Long. Tên Thăng Long đã có từ lâu đời, nên Gia Long thấy không tiện bỏ đi, vẫn giữ tên Thăng Long, nhưng đổi chữ Long là Rồng thành chữ Long là thịnh vượng, lấy cớ rằng rồng là tượng trưng cho nhà vua, nay vua không ở đây thì không được dùng chữ Long là rồng.

Việc thay đổi nói trên xảy ra năm 1805.

10 - Hà Nội: "Năm 1831, vua Minh Mạng đem kinh thành Thăng Long cũ hợp với mấy phủ huyện xung quanh như huyện Từ Liêm, phủ Ứng Hòa, phủ Lý Nhân và phủ Thường Tín lập thành tỉnh Hà Nội, lấy khu vực kinh thành Thăng Long cũ làm tỉnh lỵ của Hà Nội".

Ngoài những tên chính quy được chép trong sử sách do các triều đại phong kiến Nhà nước Việt Nam đặt ra, Hà Nội còn có những tên gọi không chính quy được dùng trong văn thơ, ca dao... như:

1 - Trường An (Tràng An): Trường An là tên kinh đô của hai triều đại phong kiến thịnh trị vào bậc nhất của Trung Quốc. Tiền Hán (206 trước Công nguyên-8 sau Công nguyên) và Đường (618-907), được các nhà Nho nước ta sử dụng như một danh từ chung chỉ kinh đô, thí dụ:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhàiDẫu không thanh lịch cũng người Trường An.

Chữ Trường An ở đây chỉ kinh đô Thăng Long.

2 - Phượng Thành (Phụng Thành): Đầu thế kỷ 16, Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh, người Bắc Ninh, viết bài phú Nôm nổi tiếng "Phượng Thành xuân sắc phú" tả cảnh sắc mùa xuân ở thành Phượng tức thành Thăng Long đời Lê. Phượng Thành hay Phụng Thành được dùng trong văn học nước ta để chỉ thành Thăng Long.

3 - Long Biên: Long Biên vốn là vùng đất phát triển của nước ta, là nơi quan lại nhà Hán đóng nhiệm sở ở Giao Châu (tên nước ta lúc bấy giờ).

4 - Long Thành: Long Thành là tên viết tắt chỉ kinh thành Thăng Long. Nhà thơ Ngô Ngọc Du, sau chiến thắng Xuân Kỷ Dậu (1789) có viết bài Long Thành quang phục kỷ thực ghi chép việc khôi phục Long Thành tức thành Thăng Long thời Tây Sơn.

5 - Hà Thành: Tên Hà Thành được dùng nhiều trong thơ ca để chỉ Hà Nội như bài Hà Thành chính khí ca của Nguyễn Văn Giai, Hà Thành hiểu vọng của Ba Giai, v.v...

6 - Hoàng Diệu: Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhiều bài báo đã sử dụng tên Hoàng Diệu để chỉ Hà Nội, tưởng nhớ đến tấm gương lẫm liệt của vị tổng trấn Hoàng Diệu.

Thực ra, còn nhiều từ được dùng trong dân gian để chỉ Thăng Long-Hà Nội như: Kẻ Chợ (Khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ); Kinh Kỳ (Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì phố Hiến). Thượng Kinh (Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Chẳng lịch cũng thể con người Thượng Kinh)...

Nhường đất xây thành, dân Đại La về đâu lập nghiệp?

Nhường đất xây thành, dân Đại La về đâu lập nghiệp?
Năm 1010, theo chiếu rời đô của vua Lý Thái Tổ, nhân dân ở trung tâm thành Đại La phải rời đi nơi khác để nhường đất cho triều đình xây dựng cung điện, thành lập kinh đô mới mang tên Thăng Long. Những người dân này, tương truyền, đã tề tựu về bốn thôn của Phấn Lôi Trang an cư, lạc nghiệp.

Phấn Lôi Trang nay là làng Vân Lôi ở phía Tây Nam của xã Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội. Trong cuốn Bình Yên -những chặng đường lịch sử của địa phương này ghi rõ, những người di cư được chiếu chỉ vua ban cho đi đến đâu thấy phù hợp thì được phép trụ lại để lập nghiệp. Quan chức và dân chúng nơi sở tại phải có trách nhiệm giúp đỡ.

Khi về đến làng Đại Đồng (Thạch Thất) trụ lại, họ được chức dịch và nhân dân đón tiếp trọng thị. Nhưng vì nơi đây đã đông dân cư, đất đai ít nên những người đi tìm đất mới chỉ tạm trú một thời gian và cử người đi tiền trạm.

Thành Đại La xưa. (Tranh minh họa: Sưu tầm)

Họ vượt qua sông Tích tìm đến khu vực tứ thôn Vân Lôi hiện nay, khảo sát thấy đất đai rộng, màu mỡ, địa thế đẹp, có đồi, gò, rừng cây và những khu đất bằng phẳng, có nguồn nước và khí hậu tốt, lại có những quả đồi nho nhỏ giống như cái chiêng, trống, lọng, võng đẹp nên đã quyết định ở lại đây.

Những người đi tiền trạm đã cắm mốc, đánh dấu rồi trở lại nơi tạm trú ở Đại Đồng đón dân đến định cư lập nên bốn thôn Vân Lôi, Cánh Chủ, Thái Bình và Kim Vông. Do có ân tình từ xưa như vậy nên về sau, trong suốt một thời gian dài, người các làng thuộc bốn thôn ở làng Vân Lôi vẫn là thanh viên của Tổng Đại Đồng (nay là các xã Đại Đồng, Hồng Câu, Cẩm Bào, Yên Lễ, Thôn Nhị, Vân Lôi và phường Hoa Xá).

Cũng theo tương truyền, Phấn Lôi Trang sau này còn được gọi với tên nôm là làng Roi. Có ý kiến cho rằng, sở dĩ gọi như vậy là vì những người đi tiền trạm, trong cuộc tìm đất định cư ngày ấy, đã lấy những cành cây nhỏ như những cái roi để cắm mốc vì vậy gọi là làng Roi. Nhưng một số ý kiến khác cho là do khu vực đất Vân Lôi gồm những gò cao, gioi đất không có nước, nên mới gọi tên là làng Gioi.

Những người dân thành Đại La sau khi về Vân Lôi an cư, lạc nghiệp đã hòa vào nhịp sống của người dân quanh vùng. Bằng công sức lao động và trí tuệ của mình, họ đã góp phần cùng người dân bản địa xây dựng và củng cố cho mảnh đất Bình Yên ngày càng khang trang, vững chắc và đậm đà bản sắc văn hóa. Những ngày này, người dân cả nước đang hào hứng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thì ở Vân Lôi nói riêng và ở Bình Yên nói riêng chung, người dân cũng đang náo nức kỷ niệm 1.000 năm thành lập thôn, làng mình.

Tại sao phải cấm sử dụng thiết bị điện tử trên máy bay?

Tại sao phải cấm sử dụng thiết bị điện tử trên máy bay?

Ở bất kỳ nước nào, khi đi máy bay hành khách đều được thông báo và bị cấm sử dụng bất cứ sản phẩm điện tử nào trên máy bay. Tại sao lại phải làm vậy?

Tại sao phải cấm sử dụng thiết bị điện tử trên máy bay?

Khi máy bay bay trên không, không thể dùng mắt thường để phán đoán mà phải dựa hoàn toàn vào các loại máy móc điện tử để chị thỉ và điều khiển. Những thông số bay như độ cao, phương hướng của máy bay, hệ thống chỉ dẫn đường bay dưới mặt đất cũng phải dùng sóng điện vô tuyến để chỉ huy cho máy bay bay đúng. Nếu thiết bị điện tử có sai sót hoặc chỉ dẫn đường bay dưới mặt đất hiệu lực, nó sẽ đe dọa đến an toàn bay của máy bay, thậm chí sẽ xảy ra cả tai nạn.

Thể tích của các thiết bị điện tử trên máy bay hiện đại ngày càng nhỏ, thường làm việc bằng điện áp thấp và mẫn cảm hơn đối với hệ thống nhiễm sóng điện. Nếu trong khi bay hành khách sử dụng đồ điện tử cá nhân như: điện thoại di động, máy chơi điện tử, thậm chí cả dao cạo râu chạy bằng điện, máy sấy, radio,... cũng sẽ sinh ra phóng xạ điện từ phát ra sóng điện từ có tần số rộng. Có rất nhiều các máy móc điện tử trên máy bay và thiết bị thông tin dẫn đường đều ở trong phạm vi tần suất của sóng điện từ. Những sóng điện từ này sẽ gây nhiễu, lẫn vào trong các tín hiệu sóng điện bình thường mà việc bay cần đến, từ đó khiến cho việc điều khiển bay bị vô hiệu, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.

Do nhu cầu sử dụng điện thoại di động mọi lúc, mọi nơi; gần đây các nhà khoa học đã chế tạo và cho sử dụng thử nghiệm điện thoại di động trên máy bay trong khi bay.

H.T (Theo Hỏi đáp khoa học)

Có phải nhóm máu một người không bao giờ thay đổi?

Có phải nhóm máu một người không bao giờ thay đổi?

Trước đây, người ta luôn cho rằng nhóm máu của một người suốt đời không thay đổi. Vì vậy, có người gọi nhóm máu là "hộ khẩu đỏ".

Với đa số người, nhóm máu quả thực suốt đời không đổi. Nhưng điều đó không phải là tuyệt đối. Có một phụ nữ tuổi trung niên qua giám định thuộc nhóm máu AB. Bà đã được tiếp nhóm máu AB 4 lần an toàn vô sự, nhưng trong lần tiếp máu thứ năm lại có phản ứng không tốt. Qua kiểm tra mới phát hiện nhóm máu của bà đã biến thành nhóm máu A.

Các nghiên cứu gần đây đã phát hiện thấy, có lúc bệnh tật khiến cho nhóm máu thay đổi. Ví dụ, bệnh máu trắng có thể làm mất nhóm máu; bệnh khối u đường ruột có thể khiến cho bệnh nhân từ nhóm máu A biến thành nhóm máu B. Song điều làm cho người ta khó hiểu là trên thế giới lại có một người đồng thời tồn tại hai nhóm máu. Năm 1953, ở Anh, người ta đã phát hiện một phụ nữ kỳ quái, vừa có nhóm máu A lại vừa có nhóm máu O. Vì sao lại có hiện tượng này, cho đến nay các nhà khoa học vẫn đang tìm tòi chưa làm sáng tỏ được.

Vì sao đầu sợi tóc bị chẻ nhánh?

Vì sao đầu sợi tóc bị chẻ nhánh?

Mái tóc đen nhánh không những đem lại vẻ đẹp mà còn là tiêu chí thể hiện sức khỏe. Thời Trung Quốc cổ, người ta thường dùng câu "tóc xanh ba ngàn sợi" để hình dung mái đầu nhiều tóc. Trên thực tế, số tóc trên đầu của người bình thường là khoảng 10-12 vạn cây. Cây tóc dài ngắn khác nhau, dài nhất có thể đạt hơn 2 m. Ở một số người, đoạn cuối của tóc chẻ làm đôi, thậm chí hình thành mấy nhánh rất nhỏ. Y học gọi đó là "chứng tóc chẻ đôi", hay còn gọi là "tóc phân nhánh".

toc che ngon

Mỗi cây tóc đều do thân tóc và gốc cấu tạo nên. Phần thân tóc lộ ra bên ngoài da. Trên mặt cắt ngang của cây tóc, nhìn từ ngoài vào trung tâm, cây tóc có thể phân thành ba lớp: lớp ngoài cùng gọi là "biểu bì của tóc", rất mỏng; lớp giữa dày nhất gọi là "chất sừng"; lớp trong cùng gọi là "tủy". Chân tóc nằm sâu trong da, được bao bọc bởi một túi hình ống (cây tóc được mọc ra từ trong túi này). Biểu bì của tóc do rất nhiều tế bào chất sừng đã chết và các chất anbumin đã sừng hóa tổ chức thành. Chúng sắp xếp nối tiếp nhau. Vì thân tóc là những tế bào đã chết nên khi cắt tóc, người ta không cảm thấy đau.


Nguyên nhân chủ yếu gây tóc chẻ nhánh là do axit anbumin và cystin trong tóc bị giảm thấp, khiến cho tóc giòn, dễ bị gãy.


Ngoài ra, việc thường xuyên dùng máy sấy tóc hoặc dùng xà phòng có độ kiềm mạnh để gội đầu cũng khiến cho chất dầu trong tóc giảm thấp, khiến tóc cũng dễ phân nhánh. Người sức khỏe yếu, dinh dưỡng kém, khiến tế bào tóc còn sống đã "tiên thiên bất túc" thì sẽ tóc không được phát triển bình thường, dễ bị phân nhánh.


Để hạn chế hiện tượng này, có thể ăn vừng đen, hạt đào và trứng gà... vì những thực phẩm này chứa axit amin, sắt và những thành phần dinh dưỡng khác rất cần cho sự phát triển của tóc.

Tại sao máy tính lại chạy chậm?

Tại sao máy tính lại chạy chậm?

Có một thực tế mà hầu như người sử dụng máy tính nào cũng gặp phải: sau một thời gian đưa vào sử dụng, máy tính sẽ trở nên ì ạch hơn lúc đầu rất nhiều. Nhiều lý do để dẫn đến tình trạng trên và đây là một số những nguyên nhân thường gặp.

Máy tính cài chương trình diệt virus quá “nặng”

Dễ nhận thấy, chương trình diệt virus càng hiệu quả thì lại càng can thiệp sâu vào hệ thống máy tính. Điều đó dẫn đến việc tốc độ xử lý của máy bị giảm đi đáng kể sau khi được bảo vệ bởi những chương trình như Norton Anti Virus hay Mcafee… Biện pháp xử lý lúc này tất nhiên không phải là gỡ bỏ chúng vì như vậy chẳng khác nào mở cửa cho các loại sâu hay virus thâm nhập vào máy tính. Hướng giải quyết đơn giản là nếu như cấu hình của máy tính bạn không thuộc vào dạng hàng “khủng” như Pentium IV hay Duo Core … thì nên chuyển sang chương trình bảo vệ nhẹ hơn, phù hợp với cấu hình máy tính cá nhân. Bit Defender hay Kasper Sky là lời khuyên đưa ra ở đây.

Quá nhiều chương trình được kích hoạt khi khởi động máy

Nhà sản xuất phần mềm nào cũng đều muốn chương trình mình được sử dụng nhiều nhất. Điều đó dẫn đến việc hầu hết các chương trình sau khi được cài đặt đều tự cho mình quyền được xuất hiện ngay sau khi Windows khởi động. Chính việc đó làm cho tài nguyên máy bị chiếm dụng vô cùng lãng phí, trong khi chủ nhân của máy chưa chắc đã có nhu cầu dùng đến những chương trình này. Vì thế, khi install một software, bạn nên để ý đến những câu hỏi như: “Bạn có muốn chương trình này được chạy khi Windows khởi động không?”. Càng ít chương trình được chạy khi khởi động, máy tính của bạn sẽ càng chạy nhanh. Nếu phần mềm đã cài không cho phép chỉnh sửa việc này, chạy Run, gõ msconfig, chọn Start up và tích bỏ chương trình không cần xuất hiện khi khởi động máy.

tai sao may tinh lai chay chamGỡ bỏ các phần mềm không theo đúng quy trình

Nếu bạn cài đặt một chương trình bằng việc Install, tất nhiên khi không còn cần dùng đến phần mềm đó, bạn phải sử dụng chức năng Uninstall để gỡ bỏ. Thế nhưng rất nhiều nhà sản xuất lại chỉ để ý đến việc làm sao cho chương trình của mình chạy được trên máy tính, mà “quên mất” chức năng ngược lại khiến nhiều người lúng túng khi muốn xóa. Ngay cả khi bạn xóa hết toàn bộ các file chương trình đó trong Program Files, vẫn còn rất nhiều thông số hệ thống “mắc” lại trong registry của máy, làm cho máy tính chạy chậm đi. Hướng giải quyết ở đây là: vào Control Panel/Add or Remove Program để gỡ bỏ chương trình cần uninstall.

Máy sinh ra quá nhiều “rác” cùng quá trình sử dụng

Cùng với thời gian, máy tính của bạn sẽ trở nên ì ạch do phải chứa khá nhiều những file như temporary files, cookies hay saved passwords…Tất nhiên những file này đều được Microsoft tính đến là có tác dụng, tuy nhiên khi mà dung lượng của chúng trở nên quá lớn thì cũng nên dọn dẹp một chút. Bạn vào Tools trong Internet Explorer, chọn Internet Options/Browsing history, ấn Delete.

Ổ cứng bị phân mảnh

Khi liên tục copy, xóa các file trên ổ cứng, ổ cứng sẽ có hiện tượng bị phân mảnh, làm giảm tốc độ đọc các chương trình của máy tính. Thông thường sau khoảng vài tháng đưa vào sử dụng, bạn nên sử dụng chức năng chống phân mảnh mà Microsoft cung cấp để tăng tốc độ đọc ổ. Click chuột phải vào ổ cần thao tác, chọn Properties/Tools/Defragmentation. Mặc dù việc xử lý này sẽ tương đối mất thời gian tùy thuộc vào dung lượng ổ cứng và số các chương trình trên ổ. Sau khi quá trình Defragmentation được hoàn tất, bạn sẽ cảm nhận rõ sự thay đổi về tốc độ CPU.

Bộ nhớ đệm không hợp lý

Khi RAM máy tính bị tận dụng hết công suất, máy tính sẽ viện đến một công cụ hỗ trợ rất đắc lực là bộ nhớ ảo (Virtual Memory). Tuy nhiên nếu cài đặt không hợp lý, bạn sẽ thường xuyên gặp phải thông báo: “Virtual Memory Too Low”. Sửa bộ nhớ ảo bằng cách click chuột phải vào My Computer/Properties chọn Advanced > Performance > Settings, chọn tiếp Advanced/Virtual Memory/Change. Tại đây bạn chọn Initial Size và Maximum size cho hợp lý với lượng RAM máy tính và dung lượng ổ cứng. Thông thường nếu RAM là 512 MB và dung lượng ổ cứng còn trống là khoảng vài GB thì nên để Initial Size = Maximum size = 1000.

Vì sao cấm vận động viên dùng thuốc kích thích?

Vì sao cấm vận động viên dùng thuốc kích thích?

Năm 1988, tại Thế vận hội ở Seun, vận động viên điền kinh Canada B.Jonhson tham gia chạy 100m nam. Vì kết quả kiểm tra nước tiểu tại hiện trường cho thấy có thuốc kích thích nên danh hiệu quán quân của anh bị tước đi. Ngoài ra, vận động viên này còn bị phạt 2 năm không được thi đấu.


Tôn chỉ của Thế vận hội là thể chất mạnh mẽ, tăng cường sức khỏe; cho nên mọi hình thức mượn thuốc để nâng cao thành tích thi đấu đều trái với tôn chỉ này. Hơn nữa, việc dùng các thuốc kích thích chắc chắn rất có hại cho sức khỏe. Vì vậy, những loại thuốc này trở thành thuốc cấm của Thế vận hội.


Thuốc cấm của Thế vận hội có không dưới 100 loại, chủ yếu thuộc mấy dạng sau:


- Thuốc gây hưng phấn thần kinh trung khu như caphein, lithalin, strycnin. Chúng có tác dụng gây hưng phấn đối với hệ thần kinh, làm tinh thần phấn chấn, người tỉnh táo, giảm cảm giác mệt mỏi. Nhưng chúng cũng đem lại những hậu quả không tốt như dị ứng thần kinh, mất ngủ, choáng đầu, tim hồi hộp, huyết áp tăng cao, gây nghiện.


- Thuốc gây hưng phấn cơ bắp như sinsitimin pintinsitimin, niwelin. Chúng có thể gây hưng phấn ở mức độ nhất định đối với cơ vận động, tăng cường lực co của cơ. Nhưng thuốc cũng gây ra tác dụng phụ như tim đập chậm, nôn nao, nôn ẩu, da nổi mẩn...


- Loại steron đào thải: Có tác dụng tăng tốc độ hấp thu, đào thải, tăng các chất tạo thành anbumin, tăng công năng nội tiết. Thuốc dễ dẫn đến phù thũng, tổn hại gan.


- Thuốc lợi tiểu
: Có tác dụng tăng tiểu, thông qua nước tiểu để bài tiết nhanh những chất thải trong cơ thể; hoặc làm cho cơ bắp vận động, sản sinh nhanh các chất phế thải có lợi cho việc nâng cao sức mạnh và sức chịu đựng của cơ bắp. Ngoài ra, thông qua cơ chế lợi tiểu, thuốc giúp bài tiết nhanh những chất thuốc mà Thế vận hội cấm. Nhưng thuốc lợi tiểu cũng gây mất nhiều nước và muối, làm nhiễu loạn các chất axit, kiềm trong cơ thể.


Để bảo đảm sức khỏe cho vận động viên, các Thế vận hội hiện đại đã có Trung tâm kiểm nghiệm để ngăn ngừa vận động viên dùng thuốc kích thích.

Vì sao việc uống thuốc, tiêm thuốc có thể giúp chữa được bệnh?

Vì sao việc uống thuốc, tiêm thuốc có thể giúp chữa được bệnh?

Mọi người trong cả cuộc đời khó tránh khỏi có lúc bị ốm; phải uống thuốc, phải tiêm thì bệnh mới khỏi. Vì sao uống thuốc và tiêm có thể chữa được bệnh?


Nguyên là việc uống thuốc hay tiêm thuốc thực chất đều là sử dụng hóa chất để chữa bệnh. Chúng được đưa vào cơ thể theo những phương thức khác nhau. Thông qua tuần hoàn máu, thuốc sẽ đến những chỗ cần thiết để phát huy tác dụng, từ đó mà chữa được bệnh.


Bệnh tật vốn muôn màu muôn vẻ, ví dụ như cảm, viêm phổi... Ngay chứng cảm cũng biểu hiện đủ dạng như đau đầu, lên cơn sốt. Do đó, các loại "vũ khí" chữa bệnh cũng theo đó mà ra đời. Có loại vũ khí sát khuẩn, diệt vi khuẩn như thuốc kháng sinh, có loại vũ khí tấn công các tế bào khối u như thuốc kháng u. Hơn nữa, mỗi loại lại có nhiều dạng thuốc khác nhau, giống như vũ khí đánh trận có súng máy, súng ngắn, súng trường.


Cho dù là loại bệnh gì, dù theo đường uống hay đường tiêm, việc dùng thuốc vẫn không ngoài mục đích chữa nguyên nhân (loại bỏ những nguyên nhân gây bệnh) hoặc chữa triệu chứng (loại bỏ các biểu hiện bệnh). Ví dụ: Một em bé viêm phổi vì nhiễm khuẩn sẽ xuất hiện các chứng sợ rét, sốt cao, ho, đau ngực... Bác sỹ sẽ cho em tiêm thuốc kháng sinh để chiến đấu với vi khuẩn; cho uống thuốc hạ nhiệt, giảm đau (thuốc sẽ tác dụng vào trung khu điều tiết nhiệt độ của cơ thể, ra lệnh giãn mạch máu da và thải mồ hôi để giải nhiệt, đồng thời đến những nơi bị tổn thương để ức chế cơn đau). Bệnh nhân cũng được dùng thuốc trấn ho, hóa đờm để ức chế phản xạ ho, làm loãng dịch đờm.


Bệnh nhân uống hoặc tiêm thuốc, thuốc sẽ có tác dụng trực tiếp hoặc gián tiếp để đạt được mục đích chữa bệnh. Ví dụ: Khi bệnh tim nặng làm cho lực tim suy kiệt, bệnh nhân vì thiếu ôxy mà thở gấp, môi tím, có thể xuất hiện phù nước. Sau khi uống hoặc tiêm thuốc trợ tim, thuốc sẽ trực tiếp tiếp xúc với tim, làm tăng lực co bóp của cơ tim, nâng cao công năng của bộ phận này. Đó chính là tác dụng trực tiếp của thuốc trợ tim. Thông qua tác dụng trợ tim, bệnh nhân đi tiểu nhiều hơn, đó là tác dụng gián tiếp của thuốc trợ tim.


Đa số các chất hóa học khi được dùng với liều lượng thích đáng sẽ phân biệt được mục tiêu cần công kích, nó chỉ gây tác dụng với một số tổ chức hoặc cơ quan nào đó; đối với những tổ chức hoặc cơ quan khác thì tác dụng rất ít, thậm chí hầu như không hề ảnh hưởng. Y học gọi đó là tác dụng lựa chọn.

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

Điều gì xảy ra khi một người chết trong vũ trụ?

Điều gì xảy ra khi một người chết trong vũ trụ?

Về cơ bản, anh ta sẽ bị đóng thành băng khô trong khoảng chân không băng giá của vũ trụ. Nước trong cơ thể hóa băng và cuối cùng biến mất.

Băng có thể bốc hơi mà không cần trải qua giai đoạn hóa lỏng. Do không có ôxy nên không có sự phân hủy và có rất ít chứng cớ để cho rằng sẽ có sự mục rữa do vi khuẩn. Tuy nhiên, cần bao lâu để trở thành băng khô? Không ai có thể biết. Quá trình này cũng diễn ra tương tự nhưng sẽ lâu hơn nhiều nếu một người chết trong bộ quần áo du hành.

Ở đây cũng nói thêm về việc sinh nở trong vũ trụ. Chắc chắn, toàn bộ quá trình giao hợp, phôi học và đỡ đẻ chưa được thử nghiệm từ đầu đến cuối trên một loài vật có vú nào trong vũ trụ. Chẳng hạn, các nhà khoa học chưa rõ lực hút có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với việc thụ tinh của con người.

Mức độ phóng xạ trong vũ trụ, đặc biệt là càng vào sâu trong khoảng không, càng cao hơn trên mặt đất, cho nên nguy cơ sinh ra quái thai do phóng xạ sẽ cao hơn, trừ khi có các biện pháp ngăn chặn thích hợp.

Một vấn đề khác là ở hầu hết các giống loài, lực hút có liên quan đến sự đối xứng song phương (hai nửa của cơ thể phát triển cân xứng) và sự phân biệt đầu - chân. Người ta tự hỏi liệu môi trường không trọng lượng có làm mất đi tính cân xứng đó. Trong một nghiên cứu của Liên Xô trước đây về sự thai nghén của loài chuột trong vũ trụ, các báo cáo cho rằng chuột sinh ra bình thường. Tuy nhiên, chúng được thụ thai trên mặt đất từ trước và trở về đẻ trên mặt đất, nên cuộc nghiên cứu chưa thể kết luận được.

Ngoài ra, về lý thuyết, các vấn đề y khoa phát sinh trong vũ trụ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ, như mất canxi trong xương, gián đoạn hoóc môn và chất lỏng trong cơ thể, mất sự săn chắc của cơ do không có trọng lượng...

Quá trình chuyển dạ có thể sẽ kéo dài hơn một chút nếu các đứa trẻ vũ trụ không chịu chui xuống như trẻ trên trái đất thường làm trong những tuần cuối của quá trình thai nghén. Tuy vậy, bản thân việc đỡ đẻ có nhiều khả năng sẽ y như trên mặt đất bởi vì việc co giãn cơ trong lúc chuyển dạ không phụ thuộc vào lực hút.

Vì sao một giờ lại có 60 phút?

Vì sao một giờ lại có 60 phút?

Và tất nhiên tại sao một phút lại có 60 giây chứ không phải 100 giây? Để biết được câu trả lời, bạn phải quay lại 5000 trước với người Sumerian sinh sống ở Trung Đông. Từ thời kỳ này, người Sumerian đã phát minh ra chữ viết và toán học đơn giản. Họ cũng là những người đã phát minh ra hệ thống đo thời gian mà chúng ta vẫn sử dụng cho tới bây giờ.


Lý do cho câu hỏi trên nằm ở chỗ người Sumerian chỉ biết các dạng toán học đơn giản và các số nguyên. Ví dụ, họ biết lấy 10 chia 5 và 10 chia 2 nhưng họ không biết làm sao để lấy 10/3.

Do vậy, thay vì việc dựa trên hệ thập phân (là một hệ thống có lý vì tay chân chúng ta đều có 10 ngón), hệ thống số học của họ đã dựa trên số 60. 10 chỉ có thể chia hết cho 1, 2, 5, 10 thế nhưng 60 thì chia hết cho tận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 10, 12, 15, 20, 30 và 60. Ngay cả 100 cũng chỉ chia hết cho 1, 2, 4, 5, 10, 20, 25, 50, 100 nên 60 vẫn có ích hơn đối với người Sumerian. Từ đó tới nay, một giờ có 60 phút thay vì 100 phút.

Sáng tạo là gì?

Sáng tạo là gì?

1. Đùa với não bạn một chút!
Bạn hãy trả lời trước khi nhìn giải đáp: "Jack được trả 5 đôla cho một lần cưa khúc gỗ ra làm đôi. Vậy Jack được trả bao nhiêu tiền để cưa khúc gỗ ra làm bốn?".

"Có 2 người ngồi trước cửa siêu thị và chơi cờ tướng. Họ chơi 5 ván. Mỗi người đều thắng 3 ván. Sao lại thế?".

Đây là giải đáp:
Câu 1: 15 đôla, vì để cưa khúc gỗ ra làm đôi thì chỉ cần một lần cưa, nhưng để cưa một khúc gỗ ra làm 4 thì cần 3 lần.

Câu 2: Bởi vì 2 người này chơi với 2 người khác nhau.


Sáng tạo là phải vượt ra khỏi cách nhìn, cách nghĩ thông thường...
Đây là 2 trong số nhiều câu "đố mẹo" đơn giản nhất. Chúng đánh lừa não bạn vì não bạn có xu hướng suy nghĩ theo kiểu "mặc định": 2 người chơi cờ thì "mặc định" là họ chơi với nhau, cưa khúc gỗ làm đôi được 5 đôla thì cưa làm 4 (2x2) thì "mặc định" là được trả 5x2=10 đôla... Trong khi đề bài không hề có những dữ kiện như vậy. Tại sao bạn lại "mặc định" như thế? Đó chính là sức ỳ tâm lý làm cho não bạn bị mắc lừa ở những câu đố đòi hỏi nghĩ sáng tạo.

Nghĩ sáng tạo là nhìn một vấn đề, một câu hỏi... theo những cách khác với thông thường. Tức là nhìn mọi thứ từ các góc độ, tầm nhìn khác nhau, "nhìn" theo những cách không bị hạn chế bởi thói quen, bởi phong tục, bởi tiêu chuẩn...


2. Nghĩ sáng tạo xa hơn
Những câu chuyện về nghĩ sáng tạo không phải chờ đến thời kỹ thuật hiện đại. Từ những năm 1400, Nữ hoàng Isabella của Tây Ban Nha có lần yêu cầu mọi người tìm cách để quả trứng đứng thẳng trên một đầu của nó, mà không được dùng cái đế gì kê ở dưới.


Christpher Columbusvà thủy thủ đoàn
Tất cả các vị quan trong triều đình đều vò đầu bứt tóc chịu thua. Nhưng rồi một thuỷ thủ trẻ bước đến, đập vỡ một đầu của quả trứng và dựng nó lên bằng đầu đó. Tất nhiên, ruột trứng chảy hết ra và các quan thì vô cùng tức giận. Nhưng Nữ hoàng thì không. Nữ hoàng chưa bao giờ nói rằng không được đập vỡ trứng, còn các quan đã nghĩ "mặc định" là như thế.

Và Christopher Columbus - một thuỷ thủ - bằng cách nghĩ ra bên ngoài chiếc hộp (lần này có lẽ là bên ngoài cái vỏ trứng!), đã giải quyết được vấn đề. Ông được Nữ hoàng cung cấp tàu và tiền để bắt đầu chuyến phiêu lưu của mình.

Thực ra, đây là một ví dụ rõ ràng về một con người không chấp nhận bị giới hạn bởi những suy nghĩ thông thường. Columbus lên tàu đi vòng quanh thế giới, trong khi tất cả mọi người lúc đó còn khẳng định là thế nào rồi ông cũng đi đến "rìa" thế giới và rơi tõm ra ngoài.

3. Ứng dụng của nghĩ sáng tạo

Nếu sức ỳ tâm lý của bạn vẫn còn lớn, e rằng đến bây giờ bạn lại "mặc định" rằng vậy ra "nghĩ sáng tạo", nói vòng vo mãi, cuối cùng cũng chỉ để... giải các câu đố!!!

Bạn hãy nghe câu chuyện này. Có 2 người làm bánh quế, với chất lượng và giá cả như nhau. Khi mọi người chán ăn bánh quế và không mua nữa, một người bán chẳng biết làm sao và bỏ nghề. Trong khi đó, người còn lại đã "thiết kế" bánh quế kiểu mới bằng cách cuộn tròn nó lại theo hình nón và tạo ra một sản phẩm mới hoàn toàn: ốc quế cho kem.

Như vậy, người bán hàng thứ nhất đã không thể đi tiếp được, còn người thứ hai đã chuyển dịch ra ngoài giới hạn và những mặc định thông thường.

Nếu không có sự "nghĩ sáng tạo" của người thứ hai, hẳn bây giờ chúng ta vẫn chỉ biết ăn kem que hoặc dùng thìa múc từ cốc (hoặc nếu không có ai nghĩ sáng tạo từ ban đầu thì có thể chúng ta thậm chí còn chẳng có kem mà ăn!).

Khả năng nghĩ sáng tạo càng trở nên cực kỳ quan trọng trong thế giới kinh doanh thay đổi nhanh chóng như hiện nay.

4. Những phẩm chất của một người nghĩ sáng tạo
- Độc lập.
- Tự tin.
- Chấp nhận rủi ro.
- Nhiều năng lượng.
- Nồng nhiệt.
- Không gò bó.
- Thích phiêu lưu.
- Tò mò, hiếu kỳ.
- Nhiều sở thích.
- Hài hước.
- Trẻ con, hiếu động.
- Biết nghi ngờ.
Thực tế cuộc sống không phải là một cái hộp, nên bạn đừng tự tạo ra rồi chui vào đó!

5. Bạn có thể học để nghĩ sáng tạo
Ai trong chúng ta cũng có sự sáng tạo, và tin tốt là nếu bạn thấy mình "chưa" (chứ không phải là "không") sáng tạo, bạn có thể học. Công việc càng khó thì não bạn hoạt động càng tích cực. Theo nghiên cứu thì đến thiên tài cũng mới sử dụng có 15% hiệu suất não của mình! Cho nên, học nghĩ sáng tạo để não bạn đi xa hơn là hoàn toàn có thể. Thậm chí, có rất nhiều gợi ý cho cách học nghĩ sáng tạo.


Ai trong chúng ta cũng có sự sáng tạo...
a. Phương pháp SAEDI - "SAEDI" không phải là từ gì quái dị, nó là từ "IDEAS" viết lộn ngược. Đôi khi, nghĩ sáng tạo chỉ cần bạn nhìn mọi thứ theo chiều khác đi.

S = State of mind (cách suy nghĩ): Tự nói rằng "Tôi chẳng sáng tạo chút nào" hoặc "Tôi chẳng bao giờ có ý tưởng gì hay ho đâu" sẽ huỷ hoại sức sáng tạo của bạn. Nghĩ sáng tạo đòi hỏi nghĩ tích cực.

A = Atmosphere (không khí). Có những người thích ở nơi đông người mới nghĩ ra nhiều thứ. Có những người lại phải ngồi một mình yên tĩnh mới sáng suốt được. Bạn hãy tạo cho căn phòng mình có không khí tuỳ theo sở thích. Nếu bạn có nhiều ý tưởng khi đang... đi, hãy chăm đi dạo ở công viên, bờ hồ... Trang trí phòng bạn bằng những bức ảnh, ánh sáng... mà bạn thích.

E = Effective thinking (Nghĩ hiệu quả). Nghĩ hiệu quả tức là hướng suy nghĩ của bạn đến những mục đích cụ thể. Không có mục đích thì bạn sẽ làm rối hết mọi việc lên.

D = Determination (Quyết tâm). Sự sáng tạo đòi hỏi có luyện tập. Bạn nên tạo thói quen tưởng tượng. Những ý tưởng ban đầu của bạn có vẻ hết sức buồn cười và không ai chấp nhận, nhưng đừng bỏ cuộc.

I = Ink (viết). Khi bạn nhìn vào những thứ bạn viết ra, bạn sẽ có nhiều ý tưởng hơn là chỉ nghĩ đến nó.

b. TILS:
T = Think it: Suy nghĩ.
I = Ink it: Viết ra.
L = Link it: Nối, liên tưởng.
S = Sync it: Đồng nhất.

6. Luyện tập
Có những bài tập suy nghĩ sáng tạo mà bạn có thể thử:

- Nếu bạn cần giao tiếp nhưng bạn không thể sử dụng từ ngữ, dù viết hay nói, thì bạn làm cách nào? Một người đã đưa ra những ý sau: ngôn ngữ cử chỉ, dùng trống, dùng đồ vật, dùng đèn nhấp nháy, vẽ...

- Bạn hãy đặt ra những câu hỏi cho những đồ vật thường ngày, ví dụ: "nếu thang máy không chỉ đi lên và xuống mà còn từ đầu này sang đầu kia thì sẽ thế nào?", "nếu mỗi cơ quan yêu cầu mỗi ngày mỗi người phải cười ít nhất 30 phút thì sao?"...

- Vấn đề của một công ty bán khoai tây chiên: khoai tây chiên thường rất dễ vỡ vụn khi đóng gói, vận chuyển..., vậy làm thế nào? Bạn có thể bắt đầu bằng việc nghĩ ra cách đóng gói và vận chuyển mà không làm khoai tây bị vỡ. Sau đó, suy luận: về bản chất thì cái gì giống miếng khoai tây chiên, chúng có dễ vỡ không?...

- Một cuốn sổ tay thì bạn có thể sáng tạo theo cách nào? "Sức ỳ tâm lý" rất dễ làm cho đa số mọi người nghĩ rằng "sổ tay thì còn gì để sáng tạo nữa!". Nó rõ ràng đến phát bực mình! Nhưng vẫn có những ý tưởng của những người không chịu thua: Sổ tay đổi màu; Sổ biết đọc những thứ mình viết lên; Sổ sửa lỗi chính tả; Sổ hình tròn; Sổ có thể dán giấy lên mà không cần hồ dán; Sổ có thể dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh...

7. Kết

...nhưng trước hết, đầu óc của chúng ta phải đầy đã
Có một người cha giàu có với 3 người con trai. Ông muốn trao lại tài sản cho người con thông minh nhất. Thế là ông nghĩ ra một cách: đưa cho mỗi người một khoản tiền nhỏ và bảo những người con hãy mua thứ gì có thể làm đầy được nhà kho, càng đầy càng tốt.

Ba người con cầm tiền và đi tìm thứ vừa rẻ vừa dễ làm đầy nhà kho. Người con cả nhìn thấy một cái cây rất to trên đường, và nghĩ rằng cành và lá cây rất cồng kềnh, sẽ tỏa ra được mọi ngóc ngách của phòng. Thế là anh ta mua hết cành cây và thuê người đem về nhà.

Người con thứ hai thì mừng húm khi nhìn thấy đống cỏ khô. Cỏ vừa rẻ vừa nhẹ, lại nhỏ, dễ dàng làm đầy nhà kho. Thế là anh ta mua hết cỏ và thuê người đem về nhà.

Người con út nghĩ đi nghĩ lại về cách làm đầy nhà kho sao cho vừa hiệu quả, vừa không tốn kém. Cuối cùng, anh ta chỉ mua một ngọn nến. Khi thắp ngọn nến lên, cả nhà kho đầy tràn ánh sáng. Người cha rất hài lòng và để lại tài sản cho người con út.

Hàm ý của câu chuyện này là gì? Để thắp sáng được ngọn nến sáng tạo bên trong mỗi người, trước hết, đầu óc chúng ta phải đầy đã.

Vì sao chúng ta ngày càng béo?

Vì sao chúng ta ngày càng béo?

50 năm trước đây, hoạt động thường ngày của hầu hết con người tương đương với đi bộ 5-8 km mỗi ngày.

Ngày nay, con người không thể vượt hết quãng đường đó trong một tuần.

Vì thế không có gì lạ khi tình trạng béo phì ngày càng gia tăng và gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe. Thủ phạm chính là sự trì trệ. Cuộc sống của chúng ta ngày càng tiện lợi hơn nhờ những thiết bị tiết kiệm sức lao động trong nửa thế kỷ qua. Và chúng ta đã phải trả giá bằng sự sụt giảm nghiêm trọng trong hoạt động thể chất.

Chúng ta dùng xe hơi, xe buýt hoặc tàu điện để đi làm. Trẻ em được xe đưa tới trường, thang máy thay thế các cầu thang bộ ở các trung tâm mua sắm, công sở và chung cư.

Máy giặt, máy hút bụi, máy rửa bát và máy cắt cỏ đều giảm thiểu sức lực để duy trì một ngôi nhà gọn gàng sạch sẽ. TV khiến chúng ta dính chặt lấy ghế sofa. Gần 1/3 người lớn dành hơn 10 giờ ngồi yên một chỗ mỗi ngày, nâng tổng số lên 32 năm 4 tháng trong cả cuộc đời.

Chẳng có gì ngạc nhiên khi các nhà nghiên cứu buộc tội cuộc sống an nhàn của chúng ta là thủ phạm của việc tăng cân vù vù.
Vậy đâu là giải pháp?

Bí quyết chính là tập thể dục. Chúng ta vẫn tiến hành cuộc sống thường ngày nhưng kết hợp việc rèn luyện thân thể. Điều đó có nghĩa là đứng trả lời điện thoại, đi lại trong phòng, gõ chân trên sàn khi làm việc.
Nó có nghĩa là đừng bao giờ dùng đến xe mỗi khi có thể đi bộ, đứng trên các chuyến xe buýt ngắn tuyến, sử dụng cầu thang bộ thay thang máy nếu có thể.
Tất cả những hoạt động nhỏ bé này đều có lợi. Một nghiên cứu ở Hà Lan tìm thấy những ai dành thời gian làm những bài tập vừa phải một cách đều đặn sẽ đốt cháy nhiều calo hơn những ai đi tập cật lực nhưng trong khoảng thời gian ngắn hơn. Và bạn chỉ cần hoạt động mỗi ngày nửa tiếng cũng đủ tạo ra sự khác biệt.

Sau đây là 10 cách đơn giản để tích hợp bài tập thể dục trong hoạt động thường ngày:
1. Đặt chuông báo thức sớm hơn 30 phút vào buổi sáng và đi bộ ra bến xe hoặc đạp xe đi làm.
2. Nếu lái xe đến công sở, đỗ xe cách chỗ làm tại nơi xa nhất có thể và đi bộ quãng đường còn lại.
3. Đi lại trong tòa nhà để truyền đạt thông tin thay vì gửi tin nhắn hay e-mail.
4. Sử dụng cầu thang bộ thay vì thang máy.
5. Sử dụng toilet xa chỗ mình ngồi nhất.
6. Chọn máy in hay máy scan xa chỗ ngồi của mình nhất.
7. Đứng dậy mỗi khi nói chuyện điện thoại
8. Đi bộ ra ngoài để ăn trưa thay vì gọi đồ ăn đến.
9. Đi lại trong văn phòng để chuyện trò với mọi người.
10. Luyện tập các động tác đơn giản tại chỗ ngồi như co duỗi chân tay, vặn mình, xoay cổ...

Tại sao chúng ta thương tiếc người lạ ?

Tại sao chúng ta thương tiếc người lạ ?
Tại thành phố Tracy bang California, hàng ngàn người đã tụ tập trong một buổi tưởng niệm bé gái 8 tuổi Sandra Cantu bị bắt cóc hôm 27 tháng 3. Cảnh sát và các tình nguyện viên đã lục soát khu vực lân cận để tìm ra manh mối, trong khi những thông tin mà các nhà tâm linh học đưa ra vừa mâu thuẫn lại chẳng giúp ích được gì.

Mười ngày sau, Cantu đã được tìm thấy bởi các công nhân nông trại khi họ đang hút cạn nước khỏi một ao tưới tiêu gần nhà cô bé. Trước đó, em đã bị cưỡng hiếp, bị giết và nhét xác vào một chiếc vali. Melissa Huckaby, một giáo viên dạy giáo lí nhà thờ địa phương ngày Chủ nhật, đã bị bắt giữ với tội danh cưỡng hiếp và giết người.

Rất nhiều người dù không quen biết gửi quà, thơ, và lời cầu nguyện tới gia đình Cantu từ khắp nơi trên thế giới. Họ tổ chức một buổi cầu nguyện và lập các trang tưởng nhớ trên Internet. Cảnh sát trưởng thành phố Tracy, ông Janet Thiessen phát biểu cảm tưởng trong buổi tưởng niệm rằng “Sandra Cantu đã trở thành cô gái bé nhỏ của tất cả chúng ta, tâm hồn em chạm tới tất cả tâm hồn.”

Thật xúc động! Nhưng tất nhiên, rất ít trong số hàng ngàn người này đã từng biết, hay đơn giản từng gặp em: đối với họ em chỉ là một gương mặt đang mỉm cười trên mục tìm người mất tích hay trên các bài báo.

Nỗi tiếc thương mang tính sự kiện Hầu hết câu trả lời được tìm thấy trong tâm lí học: Khi bi kịch xảy ra – dù là một cơn bão lớn hay một em bé bị mất tích – những người không thân thích thường tập họp lại để an ủi giúp đỡ nhau. Một vài người trong số này là những phụ huynh từng phải chịu mất mát trong gia đình, những người còn lại chỉ đơn giản muốn nói lời chia buồn tới người gặp nạn.

Đối với rất nhiều trong số này, hành động đó hóa ra lại có ích cho bản thân họ nhiều hơn cho gia đình nạn nhân.

Trong xã hội thường ở vào tình trạng đóng kín của chúng ta, cùng nhau tập trung lại để tiếc thương một người lạ giúp mọi người có cảm giác được kết nối với những người khác, được trở thành một phần của tổng thể lớn hơn. Điều này có thể thấy rõ nhất khi công nương Diana qua đời năm 1997 và công chúng thể hiện một nỗi buồn đau tập thể sâu sắc nhất từng thấy trong lịch sử trước cái chết của một người. Hàng vạn người viết thư gửi công nương và hành hương tới tận ngôi nhà của bà tại Luân Đôn. Hàng triệu người trên khắp thế giới theo dõi lễ tang và những buổi truyền hình tưởng niệm “Công chúa của Nhân dân” trog nhiều tuần sau đó.

Nhà báo Ken Auchincloss của tờ “Newsweek” gọi đây là “sự tiếc thương mang tính sự kiện”, trong đó “sự xúc động là chất kết dính mọi người với một sự kiện mà tivi, báo đài liên tục nhắc tới. Sự xúc động này là một dạng hòa mình vào với cộng đồng hơn là một cảm xúc cá nhân. Cũng giống như khi bạn la hét ở một buổi biểu diễn nhạc pop, khi đó không nhất thiết bạn yêu mến hay ngưỡng mộ người biểu diễn, có thể chỉ đơn giản là bạn đang hoàn toàn đắm mình vào không khí chung của buổi diễn.”

Gương mặt hoàn hảo
Còn một lí do nữa khiến mọi người khắp nơi trên thế giới theo dõi câu chuyện về Sandra Cantu thời gian vừa qua: em là gương mặt hoàn hảo để giới truyền thông đưa tin, từ đó thu hút được sự chú ý rộng rãi của công chúng.

Để mọi người xúc động hay tiếc thương trước một sự việc hay một trường hợp mất tích, trước hết mọi người phải được biết về trường hợp đó. Có một thực tế rõ ràng là không phải tất cả những người mất tích đều nhận được sự quan tâm và cảm thông như nhau từ giới truyền thông.

Sandra Cantu là một trường hợp dành cho giới truyền thông: một em bé da trắng, còn nhỏ tuổi, dễ thương như một nụ hoa, và là bé gái.

Những bé gái bị mất tích bao giờ cũng nhận được nhiều sự chú ý hơn bé trai, các bé trai lại nhận được sự chú ý nhiều hơn người lớn hay các em tuổi teen. Những trường hợp trẻ em da trắng bị mất tích sẽ được giới truyền thông đưa tin nhiều hơn những trường hợp da màu. Hẳn phải có một lí do khiến cho những cái tên như JonBenet Ramey, Caylee Anthony, Madeleine McCann, và Sandra Cantu được rất rất nhiều người biết đến – không chỉ đơn giản vì các em là những bé gái da trắng đáng yêu bị bắt cóc hay giết hại.

Những lí do khiến chúng ta thương tiếc người xa lạ rất khác nhau và riêng tư, duy chỉ có điều này là chắc chắn: sự tiếc thương ấy là niềm an ủi lớn đối với những gia đình mất đi người thân yêu.

Vậy điều gì đã khiến những người không quen biết rơi nước mắt khóc thương cho một người xa lạ?